Mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp của một nông dân huyện Lộc Ninh

Thứ năm - 31/01/2019 21:00
(CTTĐTBP) - Với nhiều năm kinh nghiệm, anh Hồ Văn Nhật (43 tuổi, ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã xây dựng cho mình một mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả. Không những vậy, với mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp đã góp phần đảm bảo sự ổn định về lâu dài đối với gia đình anh.
mo hinh trong nuoi2
Anh Hồ Văn Nhật trồng xen cây ăn trái trong vườn tiêu
 
Là người làm nông với hơn 20 năm kinh nghiệm trên mảnh đất huyện biên giới Lộc Ninh, anh Nhật đã trải qua nhiều loại mô hình vật nuôi cây trồng khác nhau. Những mô hình qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có những biến động khác nhau. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, biến động thị trường và thói quen trồng trọt, chăn nuôi của nông dân địa phương. Từ những kinh nghiệm nhiều năm thực tế, anh Nhật quyết định đầu tư mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp trên mảnh đất của mình.

Cách đây hoảng 7 năm, với hơn 2 ha đất bên cạnh bờ đập nước, anh nhật đầu tư trồng cây hồ tiêu. Khác với các vườn tiêu của người dân địa phương, anh trồng những hàng tiêu có khoảng cách rộng hơn 1/3 đến 1/2 so với tiêu chuẩn. Những khoảng đất trống, anh lại tận dụng trồng các loại cây rau như: rau ngót, cây ớt… để đem ra chợ bán tăng thêm thu nhập. Sau khi tiêu cho thu hoạch ổn định vài năm, đến khi tiêu già cỗi và trên đà thoái trào, giảm năng suất. Anh Nhật tiếp tục trồng xen cây ăn trái là sầu riêng và bưởi da xanh. Anh Nhật cho rằng: Đến khi cây ăn trái trưởng thành, phát triển mạnh sẽ phá bỏ cây tiêu. Khoảng cách thời gian từ mất nguồn thu nhập của cây tiêu đến khi cây ăn trái cho thu hoạch sẽ không nhiều. Thậm chí, khoảng cách giữa các trụ tiêu rộng thì vẫn có thể để lại tiêu mà không cần phá bỏ. Từ đó, hai loại cây trồng này có thể cho thu nhập song song với nhau. Cây tiêu có thể giảm năng suất, nhưng cây ăn trái sẽ bù lại.
 
mo hinh trong nuoi3
Anh Nhật tận dụng lá cây từ nọc tiêu sống để nuôi dê tăng thêm thu nhập
 
Không chỉ trồng trồng xen cây ăn trái trong vườn tiêu của gia đình. Từ những trụ tiêu trồng bằng cây lòng mức, nhiều năm qua anh Nhật cũng tận dụng để nuôi dê kết hợp. Vì chỉ có hai vợ chồng làm nên anh cũng chỉ nuôi với số lượng ổn định thường xuyên trong chuồng từ 15 đến 20 con dê. Ngoài nguồn thu chính từ cây tiêu, hàng năm đàn dê cũng đem lại thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng. Đồng thời, phân dê cũng được anh ủ, làm phân vi sinh bón cho cây trồng. Vì vậy, hầu như gia đình anh cũng ít mua phân từ các đại lý về chăm sóc cho cây trồng của mình.

Anh Nhật tâm sự, “Việc chỉ trồng hoặc nuôi chuyên canh một loại rủi ro rất cao. Thời buổi hiện nay, việc mất mùa, mất giá do biến đổi khí hậu, sâu bệnh… diễn ra thường xuyên. Vì vậy, cần phải kết hợp nhiều loại cây trồng, cả vật nuôi. Mất mùa, mất giá cây trồng này hay con vật nuôi kia thì có cây khác, con vật nuôi khác bù lại. Mình thấy, từ thực tế của địa phương, nhiều hộ gia đình chỉ trồng hoặc chăn nuôi một loại duy nhất, khi mất mùa, mất giá lại lao đao. Làm nông hay làm gì cũng vậy, muốn đạt hiệu quả và ổn định thì cần phải tính toán cho kỹ trước khi làm”.

Đất anh Nhật sát bên bờ đập thủy lợi, vì vậy năm 2012, anh đã thuê của địa phương để thả cá và lấy nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Đầu năm 2015, trong một lần người bạn ở TP.HCM ghé chơi nhà, thấy điều kiện về đất đai rộng lại có hồ nước rộng lớn. Vì vậy, người bạn đã tư vấn cho anh nuôi nuôi vịt trời thương phẩm. Sau khi tìm hiểu và học tập kinh nghiệm nhiều nơi, anh lại quyết định đầu tư thêm vào mô hình này.
 
mo hinh trong nuoi
Anh Nhật còn tận dụng kết hợp nuôi vịt trời thương phẩm
 
Ban đầu anh Nhật bỏ gần 30 triệu đồng vốn để đầu tư xây chuồng trại cùng 200 con vịt giống về nuổi thử. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, chỉ sau hơn một năm, đàn vịt trời của anh dần phát triển và tăng liên tục. Từ 200 con vịt giống ban đầu đã lên đến 6.000 con, 2016, anh Nhật xuất bán lứa đầu tiên với gần 4.000 con vịt thương phẩm. Vịt trời được nuôi thả tự nhiên trên hồ nước vì vậy đầu tư thức ăn không nhiều. Mỗi buổi chiều, sau khi đàn vịt trở về chuồng, anh Nhật rãi cho một ít thóc hoặc cám là đủ. Theo anh Nhật trung bình từ 3,5 đến 4 tháng là xuất bán một lứa. Một con vịt thương phẩm có trọng lượng 1 kg, con nào thấp nhất nặng 0,9 kg và nặng nhất cũng chỉ đạt 1,2kg. Vịt được bán theo con chứ không theo rọng lượng, giá bán dao động từ 120 - 180 ngàn đồng/con, tùy theo thời điểm. “Sau khi trừ chi phí, mỗi con thu lãi khoảng 30 - 40 ngàn đồng. So với vài năm trước, hiện nay số lượng đàn vịt trời của anh đã giảm đáng kể vì không có người phụ làm. Nhưng với số lượng xuất chuồng bình quân trên 2.000 con vịt thương phẩm như hiện nay, mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng. Cứ sau khoảng 3,5 đến 4 tháng các thương lái lại tự tìm đến nhà thu mua”, anh Nhật chia sẻ.

Ông Nguyễn Phước Thiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh) cho biết: “Với điều kiện đất đai thuận lợi, cùng với tầm nhìn và cách làm thông minh, anh Nhật đã tạo ra một mô hình trồng trọt, chăn nuôi đan xen kết hợp rất hiệu quả. Hiện nay, ở địa phương cũng có nhiều mô hình trồng xen hoặc chăn nuôi kết hợp hiệu quả. Nhưng tầm nhìn xa thì không được như anh Nhật. Trước khi thực hiện, anh Nhật đã có sự tính toán tỷ mỷ, và cụ thể. Đây là mô hình hay, có tầm nhìn và có tính ổn định về nguồn thu nhập liên tục trong quá trình chuyển đổi. Bà con nhân dân cũng nên tìm hiểu, học tập kinh nghiệm mô hình này để áp dụng linh hoạt để đạt hiệu quả”./.

Tác giả: Hải Thanh - Thanh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,908
  • Hôm nay211,347
  • Tháng hiện tại10,035,609
  • Tổng lượt truy cập455,430,731
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây