Chị Hà Thị Yến đang thu hoạch vườn dưa leo của gia đình mình.
Gia đình chị Hà Thị Yến, ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành là một trong những người tiên phong trồng loại cây này. Đầu tháng 3 năm 2015 sau khi thanh lý 2 ha cao su đã già cỗi, chị đầu tư trồng loại cây mới là cây bưởi da xanh. Trong lúc chờ bưởi lớn thì gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư trồng xen cây ngắn ngày là Dưa leo (loại giống AD147 của công ty An Điền- thành phố Hồ chí Minh). chị Yến cho biết: “loại dưa leo này rất dễ trồng, rất hợp với thổ nhưỡng ở đây, năng suất cao và việc tiêu thụ khá thuận lợi. Cứ một vụ dưa leo, rơi vào khoảng 2 tháng, dưa leo phát triển khoảng 30 ngày thì cho thu hoạch”.
Theo kinh nghiệm của chị Yến, dưa leo phải thu hoạch đúng thời điểm, đừng để trái già quá thì chất lượng giảm, thương lái không mua. Với 2 ha dưa leo của gia đình chị, mỗi ngày thu hoạch trung bình được 1,5 tấn trái dưa leo, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 6.000 đồng/kg. Trung bình một lứa dưa leo thu hoạch liên tục trong 1 tháng được 45 tấn trái, cho thu nhập khoảng 270 triệu đồng, trừ chi phí gia đình chị Yến thu lãi 200 triệu đồng.
Cũng giống như hộ gia đình nhà chị Yến, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phương ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, sau khi thanh lý 1,5 ha cao su già để trồng lại giống cao su mới. Trong thời gian chờ cao su lớn, ông đã đầu tư mua cọc tre, giây kẽm và lưới để làm giàn trồng dưa leo, với tổng số vốn ban đầu khoảng hơn 30 triệu đồng cho 1,5 ha trồng xen trong vườn cao su non. Ông Phương cũng trồng giống dưa leo AD147 của công ty An Điền. Năm nay gia đình ông trúng lớn, với 1,5 ha dưa leo của gia đình ông (trung bình một vụ từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch xong vào khoảng 2 tháng, thu đượng 35 tấn trái, với giá bán 6000 đồng/kg thu được 210 triệu đồng, trừ chi phí cho lợi lãi 150 triệu đồng).
Mô hình trồng dưa leo của chị Hà Thị Yến ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành
Ông Phương cho biết, đầu ra năm nay rất dễ, thương lái từ Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh đến tận vườn để mua, có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, tiền bạc trả ngay, rất nhanh chóng. Theo ông Phương, yếu tố trồng dưa leo thành công là phải nắm vững kỹ thuật, bón phân cân đối, hợp lý, phòng trừ sâu bệnh tốt và gieo trồng ở mật độ thích hợp. Sau mỗi vụ thu hoạch, công việc làm đất là rất quan trọng, phải dọn sạch cỏ dại, cây trồng tàn dư, gom hết thân lá phơi đốt phòng trừ dịch bệnh về sau, phơi đất khoảng một tháng là bắt đầu trồng lại vụ mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Hải - Phó chủ tịch Hội nông dân thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành cho biết, mô hình này là loại cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nó không ảnh hưởng gì cho trồng xen canh với cây lâu năm. Hiện nay trên địa bàn thị trấn còn rất ít người áp dụng mô hình này, mới có 3 hộ nông dân trồng cây dưa leo, với tổng diện tích khoảng 5ha. Với giá cả ổn định, cũng như thị trường đầu ra rất dễ đối với loại dưa leo này. Đây là một mô hình đáng để bà con nông dân học tập, nhân rộng để trổng xen canh trong vườn cây khác mới trồng, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình./.