Sau khi vay tiền với lãi suất cao không có tiền trả, đồng bào buộc phải bán vườn để trả nợ.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua 4 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 14, nhận thức của đồng bào về hậu quả bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tình trạng này vẫn còn tái diễn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 668 hộ bán điều non với diện tích trên 1.086 ha; tổng số tiền bán là 11,84 tỷ đồng, tăng 201 hộ so với năm 2013. Tổng số hộ vay nặng lãi 171 hộ với số tiền trên 4,563 tỷ đồng, lãi suất vay 1,5 - 12%/tháng, thời gian vay 1 - 5 năm. Tổng số hộ cầm cố, thế chấp đất ở, đất sản xuất là 459 hộ với diện tích 565,64 ha, giảm 125 hộ/52,84 ha so năm 2013. Tổng số hộ sang nhượng đất ở, đất sản xuất là 306 hộ với diện tích 306,59 ha, giảm 19 hộ/43,4 ha so năm 2013.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã kiến nghị UBND tỉnh và các huyện thị cần có nhiều biện pháp xử lý mạnh hơn đối với một số đối tượng chuyên sử dụng các chiêu thức lợi dụng đồng bào nghèo để làm quen, gợi ý cho mượn tiền, cho thiếu nợ tiền mua vật tư, phân bón, hàng tiêu dùng… Lâu ngày, đồng bào không có tiền trả thì tính lãi cao; cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con, các hộ buộc phải bán điều non, cầm cố, sang nhượng quyền sử dụng đất./.
Lê Thanh