Chặng đường 85 năm phát triển của cây cao su

Thứ tư - 29/10/2014 09:07 8795

Chặng đường 85 năm phát triển của cây cao su

(CTTĐTBP) - Đến nay, cây cao su đã trải qua 85 mùa thay lá mới, thấm vào lòng đất từ Nam chí Bắc, tạo nên những dòng nhựa trắng đóng góp vào ngân khố quốc gia, biến những vùng quê nghèo trở nên trù phú và kiến thiết những vùng đất trống đồi trọc bằng một màu xanh ngắt trải dài vô tận.

 

 

Ảnh minh họa.

 

Lịch sử phát triển của ngành cao su đồng khuôn với lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ thời chiến đến thời bình, cây cao su và hình ảnh người công nhân luôn gắn liền với sự đấu tranh anh dũng, tinh thần vượt khó và kiên trung bám trụ trước những bão dông, thử thách.

 
Ở Việt Nam, cây cao su xuất hiện từ thời Pháp thuộc, gắn liền với hình ảnh những con người xiềng xích, nô dịch: “Cao su đi dễ khó về - Khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Thời ấy, cao su được xem là thứ cây công nghiệp chiến lược của thực dân Pháp tại các nước thuộc địa, tuy nhiên tiền đồ của những người công nhân đồn điền cao su lại tối đen như mực. Vì họ đã bị bọn chủ tư bản cấu kết với chính quyền thực dân, phong kiến bóc lột đến tận xương tủy, bị đánh đập, cúp phạt hết sức tàn nhẫn và độc ác, buộc những người công nhân cao su phải đứng lên đấu tranh, làm cách mạng theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ. Điển hình là dấu mốc lịch sử chói lọi ngày 28/10/1929 của những người công nhân cao su Phú Riềng Đỏ, làm dẫy lên một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của công nhân toàn ngành.
 
Cũng từ đó, công nhân ngành cao su đã đồng hành “tay đục tay súng” với bộ đội, nhân dân và du kích trong suốt 2 cuộc đấu tranh trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Trên mỗi chặng đường đấu tranh ấy, nhiều công nhân cao su đã không tiếc máu xương cùng với quân dân cả nước tạo nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975 thống nhất hoàn toàn đất nước. Để ghi nhận những đóng góp của công nhân ngành cao su trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Chính phủ đã công nhận ngày 28/10 hàng năm là ngày truyền thống của ngành cao su Việt Nam.
 
Qua rồi một thời đạn bom và máu lửa, cán bộ và công nhân viên ngành cao su Việt Nam lại tiếp tục tiên phong làm kinh tế, đóng góp ngân sách xây dựng quê hương đất nước bằng chính những dòng nhựa trắng mang tên Đất Việt. Ngành cao su Việt Nam đã áp dụng quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại. Minh chứng sinh động là từ số lượng diện tích vườn cao su ít ỏi, già cỗi, kém năng suất và cơ sở vật chất kỹ thuật hư hỏng, lạc hậu sau ngày giải phóng; rồi lại phải gồng mình vượt qua thời kỳ đổi mới kinh tế đất nước (1981-1986) đầy khó khăn, thử thách và cả những năm tháng dài vật lộn tìm đường xuất khẩu sản phẩm cao su ra thế giới, đến nay ngành cao su Việt Nam đã lớn mạnh, xếp thứ 2 thế giới về năng suất vườn cây, thứ 4 về sản lượng xuất khẩu, thứ 5 về sản lượng cao su thiên nhiên. Kim ngạch xuất khẩu từ năm 2006 đến nay luôn đạt trên 1 tỷ USD/năm và cao su là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao thứ 3 cả nước, sau gạo và cà phê.
 
Có được thành tích ấy, ngành cao su Việt Nam đã phải trải qua một quá trình thai nghén, vượt khó, thực hiện sáng tạo và có hiệu quả hàng loạt các chương trình, kế hoạch, biện pháp. Từ phương châm “gà mẹ đẻ gà con”, đến việc bứt phá ra khỏi chiếc áo trật để mở rộng diện tích sang các vùng đất cằn cỗi, khắc nghiệt như miền Trung, Tây Bắc, đến giai đoạn hướng ngoại sang đất bạn Lào, Campuchia, nhằm đẩy nhanh diện tích cây cao su tăng theo cấp số nhân, từ hơn 40.000 ha đến gần 1 triệu ha, từ năng suất vài trăm kg mủ/ha lên gần 2 tấn mủ/ha. Đặc biệt trong 10 năm gần đây, diện tích cao su cả nước đã tăng lên chóng mặt, từ 454.100 ha năm 2004 lên 955.600 ha năm 2013, kéo theo đó là doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận của toàn ngành cũng tỷ lệ thuận tăng lên.
 
Ngành cao su phát triển như vũ bão, đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn công nhân, lao động ở nhiều địa phương khác nhau; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước, bảo đảm an sinh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi trọc.
 
Tại Bình Phước - nơi được mệnh danh là Thủ phủ cao su cả nước (chiếm 22% diện tích cao su toàn quốc) -  được che phủ bởi một màu xanh trải dài bất tận của khoảng 223.130 ha cao su, thuộc 7 công ty cao su nhà nước xen lẫn cao su tiểu điền. Ngoài những lợi ích kinh tế, đóng góp ngân sách hàng đầu cho địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống dân trí, cây cao su trên đất Bình Phước còn góp phần thực hiện việc chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt, phủ xanh đất trống đồi trọc. Ngành cao su Bình Phước đã kiến thiết vùng đất bazan ngày càng giàu đẹp, xanh tươi, với năng suất dẫn đầu cả nước, bình quân hơn 2 tấn/ha./.

Thái Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập917
  • Hôm nay202,969
  • Tháng hiện tại5,375,733
  • Tổng lượt truy cập412,117,587
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây