Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, tác động. Doanh nghiệp trong nước cũng như phía đối tác nước ngoài gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp lớn; hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, nhiều phương tiện chở hàng hóa nhập khẩu về bị tồn đọng tại khu vực cửa khẩu.
Trong bối cảnh đó, các hoạt động phát triển quan hệ đối tác năm 2020 cũng chịu tác động. Các hoạt động như tuyên truyền, phổ biến pháp luật hải quan, tham vấn, đối thoại, hỗ trợ trực tiếp đến doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp giãn cách xã hội để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Mặc dù, chịu sự tác động của đại dịch nhưng các đơn vị trong ngành đã chủ động, tích cực, đẩy mạnh kết nối, hợp tác, hỗ trợ theo phương thức trực tuyến, từ xa qua email, điện thoại.
Chung tay với cả nước, cơ quan hải quan các cấp đã chủ động triển khai ngay các giải pháp, biện pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trước, trong và sau dịch Covid; đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, tạo ổn định hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp sau dịch Covid, cụ thể: tăng cường giải quyết công việc trực tuyến, hạn chế thủ tục giấy tờ, hạn chế đến trụ sở làm việc, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua mạng bằng các chương trình nghiệp vụ của hải quan, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin một cửa quốc gia, thanh toán tiền thuế 24/7 qua hệ thống ngân hàng, ….
Một số hoạt động cụ thể như: Chủ động cập nhật các thông tin về thay đổi chính sách, thủ tục trong đợt dịch Covid-19 (như đối với mặt hàng gạo, gạo nếp, khẩu trang, trang thiết bị phòng chống dịch, nộp C/O…) thông qua hình thức gửi công văn trực tiếp đến Hiệp hội, doanh nghiệp; Tổ chức các buổi tham vấn về chính sách, các chương trình, đề án trọng điểm với doanh nghiệp theo phương thức trực tuyến; Tổ chức khảo sát theo phương thức trực tuyến về đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Trong quá trình triển khai, Tổng cục Hải quan và các đơn vị trong toàn ngành đã thường xuyên phối hợp, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp như: Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai các hoạt động đối tác cụ thể, thu hút sự quan tâm, hợp tác, đồng hành từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của ngành và các đơn vị đặt ra trong năm 2020.
Triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp năm 2021
Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-TCHQ ngày 08/01/2021 về Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2021.
Theo đó, công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp năm 2021 của ngành Hải quan tập trung vào các nội dung: Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19; Tổ chức các hoạt động đối thoại, tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan để lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; Cập nhật thông tin về quy định chính sách pháp luật mới đến doanh nghiệp theo cách thức để thông tin có thể đến với doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, ngắn gọn, đúng địa chỉ; Tăng cường công tác giám sát thực thi pháp luật hải quan để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật giữa cơ quan hảỉ quan, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc sẽ tập trung triển khai các hoạt động: Thông tin; Hỗ trợ doanh nghiệp; Tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; Hợp tác Hải quan – Doanh nghiệp; Giám sát thực thi pháp luật.
Trong hoạt động thông tin, cơ quan hải quan các cấp tổ chức cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp, về: tình hình xuất nhập khẩu theo thị trường, theo ngành hàng; biến động của thị trường xuất nhập khẩu do tác động của dịch Covid-19; các cam kết quốc tế về thương mại và các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp của cơ quan hải quan thực hiện trong năm 2021.
Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các nội dung triển khai gồm: Tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan trong và sau dịch covid-19; Xây dựng các phương án dự phòng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó diễn biên phức tạp của dịch Covỉd-19; Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Các đơn vị trong ngành Hải quan cũng sẽ thực hiện hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan với 02 nội dung:
- Các quy định chính sách pháp luật thuế và hải quan mới; Các chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; Các giải pháp tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp.
- Các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; Đóng góp ý kiến các doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện văn bản, chính sách pháp luật.
Trong hoạt động hợp tác Hải quan - Doanh nghiệp, các nội dung triển khai bao gồm:
- Tăng cường và mở rộng hợp tác với khối doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp theo ngành nghề trọng điểm, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Chú trọng hợp tác với khối doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, các hãng tàu, đại lý hải quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về hải quan, đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan; trao đổi thông tin, đánh giá phân loại tuân thủ doanh nghiệp;
- Đổi mới cách thức hợp tác, chú trọng xây dựng hợp tác dựa trên thế mạnh, năng lực, nhu cầu hợp tác của đối tác đưa quan hệ hợp tác hải quan - doanh nghiệp đi vào chiều sâu;
- Tăng cường hợp tác trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Hoạt động giám sát thực thi pháp luật sẽ tập trung vào nội dung: Hiện đại hóa kênh giám sát thực thi pháp luật hải quan trên cơ sở ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin; Mở rộng các kênh giám sát, công cụ, tiện ích để người dân và doanh nghiệp có thêm lựa chọn tham gia giám sát thực thi pháp luật hải quan; Lựa chọn một số dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Ban Cải cách hiện đại hóa là đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong ngành Hải quan triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác và thực hiện kế hoạch trên cơ sở thực tiễn triển khai, nhu cầu trợ giúp của các đơn vị; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai hoạt động phát triển quan hệ đối tác tại các đơn vị; tổ chức thực hiện các nội dung theo phân công tại kế hoạch.
Chuyên mục đối tác hải quan- doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan đăng tải các nội dung bao gồm: chương trình, kế hoạch, hoạt động hợp tác trong hoạt động đối tác hải quan- doanh nghiệp; các tin, bài viết tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Bộ phận hỗ trợ (Helpdesk) đã tiếp nhận gần 91 nghìn lượt hỗ trợ vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử và tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định của nhà nước trong lĩnh vực hải quan thông qua điện thoại, thư điện tử.
Nhằm hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, Cổng thông tin điện tử đã kịp thời đăng tải văn bản, tuyên truyền thông tin về các giải pháp đảm bảo công tác quản lý hải quan, tháo gỡ vướng mắc thủ tục trong giai đoạn dịch Covid-19 theo đúng chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính và Lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
|