Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa
Ngày 09/3/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 1091/TCHQ-TXNK hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trồng trọt nhập khẩu.
Theo đó, trường hợp các mặt hàng vỏ thông, mùn dừa, mùn sơ dừa, than bùn rêu rớn…do doanh nghiệp nhập khẩu nếu được xác định là sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp các mặt hàng nêu trên được xác định là sản phẩm đã qua chế biến sẽ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất là 10%.
Liên quan đến thuế giá trị gia tăng đối với 02 pho tượng Phật ngọc nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam cho chùa Vĩnh Nghiêm, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 1110/TCHQ-TXNK ngày 20/3/2021 trả lời.
Căn cứ Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 quy định: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”; Điều 3 quy định: “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”.
Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 31/2013/QH13 và Luật số 71/2014/QH13) quy định 26 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, không có quy định hàng nhập khẩu là hạng mục công đức phục vụ việc thờ tự trong công trình tôn giáo thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Do vậy, không có cơ sở pháp lý để xử lý không thu thuế giá trị gia tăng đối với 02 pho tượng Phật ngọc nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam cho chùa Vĩnh Nghiêm.
Xử lý máy móc thiết bị của dự án đầu tư đã hết khấu hao
Tổng cục Hải quan mới đây đã có công văn số 1092/TCHQ-TXNK ngày 09/3/2021 hướng dẫn doanh nghiệp về việc xử lý máy móc thiết bị của dự án đầu tư đã hết khấu hao.
Theo đó, về khai báo tên hàng, khi chuyển đổi mục đích sử dụng hàng nhập khẩu miễn thuế, doanh nghiệp phải có văn bản nêu rõ lý do thanh lý, thay đổi mục đích sử dụng, tên gọi và lượng hàng phải kê khai tương ứng với tên, lượng hàng hóa thuộc tờ khai hải quan nhập khẩu ban đầu gửi cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu hàng hóa miễn thuế.
Về trị giá hải quan, khi có nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế thì doanh nghiệp phải xác định cụ thể hàng hóa đã nhập khẩu miễn thuế thuộc tờ khai hàng hóa nhập khẩu số, ngày, tháng, năm và chỉ được thay đổi mục đích sử dụng khi hoàn thành thủ tục hải quan.
Về trọng lượng thể hiện trên tờ khai chuyển đổi thì trọng lượng của hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng được xác định theo trọng lượng ghi trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban đầu.
Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 19/2019/TT-BXD
Bộ Xây dựng vừa có công văn số 741/BXD ngày 05/3/2021 gửi Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc thực hiện Thông tư số 19/2019/TT-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, cơ quan thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa được quy định tại mục 1.4.3 phần 1 QCVN 16:2019/BXD Quy chuẩn quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 19/2019/TT-BXD. Đó là “ Các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng quy định tại Bảng 1, Phần 2 của Quy chuẩn này khi lưu thông trên thị trường phải có giấy chứng nhận hợp quy, giấy công bố hợp quy và / hoặc thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của Sở xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh”.
Trình tự thực hiện Đăng ký kiểm tra nhà nước và ra Thông báo kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu sẽ thực hiện theo quy định tại Điểm 2c, Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa.