Tiếp tục lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định kiểm tra chuyên ngành

Thứ tư - 24/03/2021 09:23
Tập trung xây dựng dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Trong thời gian vừa qua, công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, công tác kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp như phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra; thực hiện không thống nhất giữa các Bộ, ngành hoặc giữa văn bản hướng dẫn và văn bản có pháp lý cao hơn; quy định kiểm tra quá mức cần thiết; đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro nhưng chưa hiệu quả...

Để khắc phục những bất cập, vướng mắc nêu trên, ngày 12/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTG  phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” với 7 nội dung cải cách lớn. Trong đó, tại điểm c mục 7 Điều 1 Quyết định số 38/QĐ-TTg đã giao Bộ Tài chính “chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” để làm cơ sở triển khai Mô hình mới về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tập trung nguồn lực xây dựng Dự thảo Nghị định

Xác định việc xây dựng Nghị định là nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục Hải quan- với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ xây dựng Đề án, cũng như triển khai thực hiện các nội dung của Đề án đã khẩn trương tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng dự thảo Nghị định về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngày 28/01/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TCHQ về việc thành lập Tổ soạn thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngày 08/02/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 772/TCHQ-GSQL để lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về dự thảo Nghị định.

Tiếp đó, ngày 22/02/2021, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp tại địa phương về dự thảo Nghị định.

Ngày 18/3/2021, Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến để hoàn thiện dự thảo Nghị định dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Cuộc họp với sự tham gia của Tổng cục Hải quan, đại diện một số Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo đơn vị tại Bộ Tài chính; đại diện một số Cục Hải quan một số tỉnh, thành phố.

Trong quá trình triển khai xây dựng dự thảo Nghị định, Tổ soạn thảo dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tổng cục đã rà soát 7 nội dung cải cách quy định tại Quyết định số 38/QĐ-TTg để chuyển hóa thành các điều khoản của Dự thảo. Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị để từng bước hoàn thiện dự thảo Nghị định.

6 nội dung cải cách nổi bật tại Dự thảo Nghị định:

Một là, dự thảo Nghị định đã góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra. Cụ thể trong việc ứng dụng tối đa hệ thống CNTT, thủ tục kiểm tra được thực hiện trên Cổng thông tin một quốc gia do cơ quan hải quan quản lý. Hệ thống quyết định phương thức kiểm tra; hướng đến việc giảm chứng từ trùng lặp giữa hồ sơ đăng ký kiểm tra và hồ sơ hải quan nếu doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai hải quan. Thời gian kiểm tra được rút ngắn xuống còn 08 giờ kể từ thời điểm cơ quan kiểm tra tiếp nhận đầy đủ hồ sơ (thay vì 24 giờ như hiện nay).

Hai là, áp dụng thống nhất các phương thức kiểm tra chặt (kiểm tra hồ sơ và lấy mẫu); kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ) và kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ tối đa 5%) cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm.

Ba là, kiểm tra theo mặt hàng: áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra theo mặt hàng giống hệt nhau về mọi phương diện như: tên gọi, công dụng, mã HS, nhã hiệu sản phẩm, xuất xứ, nhà sản xuất…

Bốn là, công khai minh bạch thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu tình trạng hàng hóa gồm: Hàng hóa được miễn kiểm tra; Hàng hóa được chuyển đổi phương thức kiểm tra; Hàng hóa đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn; Kết quả kiểm tra.

Năm là, kết nối, chia sẻ thông tin: Hệ thống dữ liệu chung, tập trung cho phép chia sẻ, kết nối thông tin các cơ quan quản lý, các tổ chức đánh giá sự phù hợp để triển khai thru tục kiểm tra, kịp thời chuyển đổi phương thức kiểm tra, đảm bảo quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu.

Sáu là, tăng quyền của người nhập khẩu. Trong đó, người nhập khẩu được lựa chọn cơ quan kiểm tra (đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt chưa có chứng nhận hợp quy); được lựa chọn kiểm tra theo quy trình tại Nghị định đối với hàng hóa thuộc danh mục kiểm tra sau thông quan; được lựa chọn tổ chức chứng nhận/giám định; Tra cứu thông tin của hàng hóa trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg và kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-BTC ngày 18/02/2021, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Bộ Tài chính và trình Chính phủ ký ban hành vào Quý II/2021.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Hải quan Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,237
  • Hôm nay45,812
  • Tháng hiện tại7,138,095
  • Tổng lượt truy cập491,001,533
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây