Mở rộng thẩm quyền xử phạt của hải quan
Nghị định số 14/2021/NĐ-CP đã bãi bỏ quyền phạt cảnh cáo của cơ quan hải quan, chỉ quy định về mức phạt tiền của cơ quan hải quan. Tuy nhiên, Nghị định đã mở rộng thẩm quyền xử phạt của cơ quan hải quan đối với một số vi phạm hành chính trong chăn nuôi. Cụ thể, theo quy định của Nghị định 14/2021/NĐ-CP, công chức Hải quan đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500 nghìn đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi.
Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Đội trưởng Đội thủ tục Hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 8; điểm b khoản 2 Điều 13; điểm b khoản 4 Điều 17; Điều 19; điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 1, khoản 2 Điều 20; khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 22; điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 32 của Nghị định 14/2021/NĐ-CP và có quyền phạt tiền đến 25 triệu đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi; Tịch thu tang vật VPHC có giá trị không vượt quá mức 25 triệu đồng; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, d, đ, g và m khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP.
Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 7; Điều 8; điểm b khoản 2 Điều 13; điểm b khoản 4 Điều 17; Điều 19; khoản 1 và khoản 2 Điều 20; Điều 22; điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 32; điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 35 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP và có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, d, đ, g và m khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP.
Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm các điểm b, c, d, đ, g và m khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP gồm:
- Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
- Buộc tái xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm;
- Buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi;
- Buộc sửa đổi thông tin đối với lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
Bổ sung mới những hành vi vi phạm trong chăn nuôi thuộc thẩm quyền xử phạt của hải quan
Nghị định số 14/2021/NĐ-CP đồng thời cũng quy định cụ thể và bổ sung mới các hành vi vi phạm mà cơ quan hải quan có quyền xử phạt theo thẩm quyền so với quy định tại Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 trước đó. Đó là những hành vi vi phạm thuộc các Điều sau:
- Vi phạm quy định về giống vật nuôi cấm xuất khẩu; trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý hiếm (Điều 7);
- Vi phạm quy định về nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi (Điều 8);
- Vi phạm quy định về chứng chỉ, giấy phép trong quản lý giống vật nuôi (Điều 13);
- Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (Điều 17);
- Vi phạm quy định về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (Điều 19);
- Vi phạm quy định về mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi (Điều 20);
- Vi phạm quy định về sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh (Điều 22);
- Vi phạm quy định về mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (Điều 32);
- Vi phạm quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm (Điều 35).
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Nghị định số 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2021 và bãi bỏ các quy định về thức ăn, chăn nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.