Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, việc xây dựng chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử qua biên giới trong lĩnh vực hải quan trên cơ sở tạo thuận lợi thương mại. Khi doanh nghiệp khai báo thông tin đầy đủ, kịp thời thì cơ quan Hải quan sẽ có cơ chế để tạo thuận lợi, thông quan hàng hóa nhanh chóng.
Hai nội dung chính được đưa ra tham vấn doanh nghiệp và các chuyên gia tại Hội thảo là nội dung Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và dự thảo Nghị định quản lý hoạt động thương mại điện tử qua biên giới trong lĩnh vực hải quan.
Việc xây dựng chính sách quản lý đổi với hoạt động thương mại điện tử qua biên giới trong lĩnh vực hải quan xuất phát từ thực tiễn phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam cũng như để thực hiện Quyết định 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.
Theo Báo cáo "Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018" do Google - Temasek thực hiện và công bố, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước tăng trường thương mại điện tử nhanh nhất khu vực.
Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có các quy định riêng đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch thương mại điện tử mà thực hiện quản lý như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế được thực hiện như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường. Điều này, dẫn đến nhiều vướng mắc, cũng như gây khó khăn cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc xây dựng cơ chế, chính sách với các quy định cụ thể để tạo khuôn khổ pháp lý cho các bên tham gia hoat động giao dịch thương mại điện tử vì vậy là một yêu cầu hết sức cấp thiết.
Trên cơ sở thực tiễn, tại dự thảo Đề án cũng như Nghị định, ban soạn thảo đã đưa ra các điều khoản cụ thể liên quan đến đối tượng điều chính; mô hình, phương thức quản lý; giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tổ chức thực hiện… Đề án và Nghị định được xây dựng hướng đến mục tiêu đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.
Các bên tham gia hội thảo đã đóng góp ý kiến tập trung vào dự thảo Nghị định quản lý hoạt động thương mại điện tử qua biên giới trong lĩnh vực hải quan về các vấn đề: Hệ thống đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; cung cấp thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; vấn đề miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền nộp thừa, ấn định thuế, thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Hội thảo là dịp trao đổi rất hữu ích giúp ban soạn thảo ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, đảm bảo tính phù hợp, hỗ trợ sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, đồng thời đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.