Năm 2019, Tổng cục Hải quan được giao chỉ tiêu dự toán thu NSNN là 300.500 tỷ đồng (tại Quyết định số 2231/QĐ-BTC ngày 23/11/2018 của Bộ Tài chính). Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phấn đấu thu vượt 5% chỉ tiêu dự toán (tương đương 315.500 tỷ đồng).
Mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu theo các Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong giai đoạn cắt giảm mạnh, đặc biệt Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ 15/1/2019, nhưng với nỗ lực của toàn ngành, số thu ngân sách năm 2019 đạt 348.721 tỷ đồng.
Biểu đồ: Các Cục Hải quan có số thu trên 20.000 tỷ đồng
Các Cục Hải quan có số thu lớn trên 20.000 tỷ đồng đều hoàn thành vượt chỉ tiêu nhiệm vụ thu ngân sách từ rất sớm và vượt chỉ tiêu phấn đấu trên 5% gồm có: Hồ Chí Minh đạt gần 119.115 tỷ đồng (vượt 9,48% chỉ tiêu dự toán và 5,5% chỉ tiêu phấn đấu), Hải Phòng đạt gần 68.473 tỷ đồng (vượt 44,09% chỉ tiêu dự toán và vượt 8,69% chỉ tiêu phấn đấu), Hà Nội xấp xỉ đạt 23.510 tỷ đồng (vượt 9,35% chỉ tiêu dự toán và vượt 6,86% chỉ tiêu phấn đấu).
Kết quả này có được một mặt là nhờ sự nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và chống thất thu ngân sách, mặt khác còn nhờ yếu tố khách quan kim ngạch XNK năm 2019 tăng mạnh so với năm 2019, vượt mốc 500 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2019 đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018; trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu là 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu là 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong năm 2019 xuất siêu 11,12 tỷ USD.
Tổng kim ngạch XNK có thuế đạt 115,65 tỷ USD, chiếm 22,36% tổng kim ngạch XNK cả nước, tăng 8,7% so với năm 2018. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu có thuế là 6,39 tỷ USD, tăng 0,8% và trị giá hàng nhập khẩu có thuế là 115,65 tỷ USD, tăng 9,2%.
Một số mặt hàng có số thu lớn như than đá tăng 92,5% về lượng, 48,8% về trị giá giúp tăng thu khoảng 3.400 tỷ đồng; dầu thô tăng 47,1% về lượng, 31% về trị giá giá giúp tăng thu khoảng 2.100 tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc tăng 70,7% về lượng 72,6% về trị giá giúp tăng thu khoảng 16.500 tỷ đồng; máy móc, thiết bị, phụ tùng trị giá tăng 6,3% giúp tăng thu khoảng 2.700 tỷ đồng, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trị giá tăng 44% giúp tăng thu khoảng 4.700 tỷ đồng, thu từ các dự án năng lượng điện mặt trời tăng gần 5.000 tỷ đồng, thu từ các hàng hóa khác tăng hơn 6%.
Bên cạnh yếu tố khách quan thuận lợi kể trên, ngành Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách còn nhờ nỗ lực của toàn Ngành trong suốt năm qua. Xác định thu NSNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên ngay từ đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 723/CT-TCHQ về việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019 và giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN, chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố; đồng thời cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết trong các lĩnh vực nghiệp vụ như: trị giá, phân loại, xuất xứ, quản lý nợ thuế.
Trong năm, Tổng cục Hải quan tích cực tăng cường áp dụng các biện pháp chống thất thu như: công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kiểm tra các trường hợp miễn thuế, giảm thuế theo đúng quy định; kiểm soát giá nhập khẩu, xuất khẩu đã được quy định tại cơ sở dữ liệu giá, chấm dứt tình trạng thông quan đối với các lô hàng giá quá thấp, bất hợp lý nhưng không tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan; kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng để được áp dụng mức thuế suất thấp.
Kết quả, số thu từ các giải pháp chống thất thu đạt gần 4.639 tỷ đồng, cụ thể: Công tác chống buôn lậu đạt 481,1 tỷ đồng, Kiểm tra sau thông quan đạt 2.262,5 tỷ đồng, Thanh tra, kiểm tra đạt 185,4 tỷ đồng, công tác tham vấn giá đạt 505,2 tỷ đồng, Đôn đốc thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 1.204,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, trong năm 2019 Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với 4 các ngân hàng thương mại nước ngoài, qua đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI trong hoạt động XNK. Như vậy, tổng số ngân hàng ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu với cơ quan hải quan đến hết năm 2019 là 43 ngân hang, trong đó có 31 ngân hang tham gia chương trình nộp thuế điện tử 24/7, tạo điều kiện cho DN có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi và mọi phương tiện.
Đặc biệt, từ ngày 26/11/2019 Tổng cục Hải quan đã triển khai chính thức Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu, hiện đã có 5 ngân hàng tham gia chương trình này. Đây là, bước cải tiến đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính đối với công tác thu NSNN. Chương trình nộp thuế điện tử Doanh nghiệp nhờ thu được Tổng cục Hải quan nâng cấp mở rộng trên nền tảng Hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ năng lực tài chính.
Trong năm 2019, tỷ lệ thuế doanh nghiệp XNK nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt khoảng 97,1%/tổng thu của ngành Hải quan.
Năm 2019 khép lại, nhờ nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành, ngành Hải quan đã hoàn thành xuất xắc các chỉ tiêu thu ngân sách, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
Năm 2020, Tổng cục Hải quan được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu NSNN là 338.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với dự toán năm 2019 theo Quyết định số 2503/QĐ-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính. Dự toán 2020 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6,8%; giá dầu thô 60$/thùng; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.
Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn do các Hiệp định tự do thương mại FTAs đang vào giai đoạn cắt giảm mạnh, một số FTA mới được ký kết và có hiệu lực trong năm 2020 với hầu hết nhiều dòng hàng có thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống 0%. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020, các đơn vị trong ngành Hải quan sẽ phải tiếp tục nỗ lực, phối hợp chặt chẽ tích cực duy trì thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách đã đưa ra.