Theo thống kê sơ bộ, 9 tháng đầu năm 2021 số thu ngân sách nhà nước (NSNN) ngành hải quan ước đạt 284.600 tỷ đồng, bằng 90,35% dự toán, bằng 84,5% chỉ tiêu phấn đấu, bằng 85% chỉ tiêu Ban cán sự Bộ giao và tăng 22,45% (tương đương 51.347 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 là 315.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2021 tăng 5% so với dự toán (331.000 tỷ đồng). Tại cuộc họp Ban cán sự BTC ngày 29/8/2021, Lãnh đạo Bộ giao chỉ tiêu thu NSNN năm 2021 cho TCHQ là 335.000 tỷ đồng tăng 20.000 tỷ đồng so với dự toán.
Dự toán 2021 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6%; giá dầu thô 45USD/thùng; các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) tiếp tục trong giai đoạn cắt giảm sâu, một số FTA mới được ký kết. Tình hình kinh tế chính trị các nước trên thế giới và trong khu vực vẫn khó khăn, ảm đạm do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan, diễn biến phức tạp.
Thực hiện chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu năm Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 215/CT-TCHQ ngày 15/1/2021 về tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước, trong đó chỉ ra các nhóm giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để triển khai đồng bộ trong toàn ngành.
Kết quả thu 9 tháng vừa qua ước đạt 284.600 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng thu 31.600 tỷ đồng, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tháng 8,9/2021 số thu chỉ đạt 28.460 tỷ đồng và 24.600 tỷ đồng giảm khoảng 19,8% so với bình quân 7 tháng đầu năm 2021 (33.080 tỷ đồng).
Số thu của 8 Cục Hải quan tỉnh, thành phố chiếm 81% dự toán thu của toàn ngành đều đạt từ 78% dự toán trở lên gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh. Trong đó, nhiều đơn vị đạt trên 85% dự toán như: Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...
Đạt được kết quả thu ngân sách như trên xuất phát từ các nhân tố khách quan cũng như chủ quannhư nhờ sự chỉ đạo kịp thời sát sao của lãnh đạo cấp trên cùng với nỗ lực của cán bộ, công chức trong toàn ngành Hải quan trong bối cảnh dịch covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021.
Về nhân tố khách quan, tăng thu ngân sách là nhờ sự tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu và giá dầu thô tăng.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước 9 tháng đầu năm ước đạt 485,68 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 241,02 tỷ USD, tăng 19%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 244,66 tỷ USD, tăng 31,6%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế ước đạt 104,73 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu có thuế ước đạt 100,1 tỷ USD, tăng 34,8%; kim ngạch xuất khẩu có thuế ước đạt 4,81 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng có số thu lớn tăng so với cùng kỳ năm trước như kim loại sắt thép các loại ước đạt 10,62 tỷ USD, tăng 47,95% giúp tăng thu 45,85% (tương đương 7.941 tỷ đồng); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 20,78 tỷ USD, tăng 25,23% làm tăng thu 25,26% (tương đương 10.926 tỷ đồng); ô tô nguyên chiếc các loại ước đạt 2,51 tỷ USD, tăng 69% khiến tăng thu 59% tương đương (12.000 tỷ đồng); linh kiện phụ tùng ô tô các loại ước đạt 3,28 tỷ USD, tăng 34,9%, dẫn đến tăng thu 35% (tương đương 4.900 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước…
Giá dầu thô khi xây dựng dự toán 45USD/1 thùng nhưng 9 tháng đầu năm tăng lên hơn 65USD/1 thùng giúp tăng thu NSNN đáng kể.
Về nhân tố chủ quan, phải kể đến là sự chỉ đạo quyết liệt, tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận, chống thất thu ngân sách hiệu quả.
Được sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính cùng với quyết tâm không lùi bước trước khó khăn do sự bùng phát của bệnh Covid-19, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại đặc biệt là các chính sách đặc thù giải quyết vướng mắc trong quá trình nhập khẩu hàng hóa phục vụ phòng chống dịch. Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều Công văn chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp, phương án nhằm giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi song vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về Hải quan, chống buôn lậu gian lận thương mại và phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, ngày 2/8/2021, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ và giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, khuyến khích việc thông quan tại cảng Cái Mép - Thị Vải nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư "scan" điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và bổ sung bản gốc sau,…
Trong quý III/2021, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản, Tổng cục Hải quan đã kịp thời có công điện chỉ đạo các đơn vị hải quan phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh cho xuất khẩu hàng nông sản và có giải pháp tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, với các nội dung quy định cụ thể minh bạch đã góp phần cải cách thủ tuc hành chính theo hướng tăng cường áp dụng CNTT, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan Hải quan.
Tham mưu Bộ Tài chính ban hành công văn số 10947/BTC-TCHQ ngày 22/9/2021 hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 của Chính phủ về xử lý chung đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế GTGT như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT).
Để tránh tình trạng một mặt hàng áp dụng nhiều mức thuế, Tổng cục Hải quan đã ban hành Danh mục hàng hóa rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế theo quyết định số 2079/QĐ-TCHQ ngày 19/7/2021;
Ban hành Danh mục bổ sung mặt hàng xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồ trở xuống thuộc loại hình H11 (QĐ số 2300/QĐ-TCHQ ngày 01/09/2021); giảm số lượng tờ khai hải quan phải kiểm tra trị giá, chỉ tập trung kiểm tra hàng hóa có rủi ro cao; áp dụng tham vấn giá gián tiếp trong thời kỳ dịch bệnh để giảm tiếp xúc, giảm việc di chuyển của doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai nộp thuế điện tử với 44 ngân hàng phối hợp thu, trong đó có 37 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử 24/7, 7 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu tạo thuận lợi tối đa cho DN trong việc nộp thuế.
Về công tác chống gian lận thương mại, chống thất thu NSNN: Song song với việc tạo thuận lợi cho DN, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, Tổng cục Hải quan đã triển khai một số các giải pháp chống thất thu NSNN năm 2021 hiệu quả, góp phần đáng kể vào tăng thu NSNN như:
Để ngăn chặn hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT, ngày 21/9/2021 Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 4539/TCHQ-TXNK yêu cầu các CHQ tỉnh, thành phố tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát… Phối hợp với cơ quan Thuế nội địa và các lực lượng khác trong đấu tranh ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT.
Thông qua công tác kiểm tra giá trong thông quan, các đơn vị hải quan đã bác bỏ trị giá kê khai, xác định lại trị giá và thu về NSNN trên 1.400 tỷ đồng (trong đó tăng thu do công tác tham vấn giá trong thông quan là 364 tỷ đồng và tăng thu đối với mặt hàng xe ô tô NK theo loại hình H11 là 1.045 tỷ đồng).
Công tác kiểm soát về mã số hàng hóa: đã rà soát về việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế và thực hiện truy thu số tiền 7,8 tỷ đồng đối với các trường hợp khai sai mã số, áp dụng sai thuế suất.
Công tác quản lý nợ thuế: số nợ thuế đến ngày 31/08/2021 giảm 2,82% so với thời điểm 31/12/2020; kết quả thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 513,76 tỷ đồng; Đối với công tác khoanh, xóa nợ thuế theo quy định tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị quyết số 94/2019/QH14. Đến nay, các đơn vị xóa được 25,5 tỷ đồng và khoanh được 185,2 tỷ đồng;
Công tác cảnh báo, hướng dẫn thực hiện kiểm soát hải quan, nhằm ngăn chặn, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới có hiệu quả. Kết quả tăng thu ngân sách từ công tác này đạt 150,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tăng thu ngân sách từ công tác kiểm tra sau thông quan 491,78 tỷ đồng; Từ tổ chức thực hiện các quyết định thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Tổng cục Hải quan, kế hoạch thanh tra chuyên ngành của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; kế hoạch kiểm tra nội bộ của Tổng cục Hải quan năm 2021. Kết quả tăng thu ngân sách 215,12 tỷ đồng
Trong quý III/2021, mặc dù ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong tạo thuận lợi cho thông quan, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, nhưng đã xuất hiện thách thức lớn đối với ngành Hải quan khi số thu ngân sách có xu hướng giảm mạnh do dịch Covid-19 bùng phát làm đình trệ hoạt động của doanh nghiệp (DN), nhất là tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Vì vậy, để số thu NSNN đạt 335.000 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu dự toán cả năm là 20.000 tỷ đồng) toàn ngành Hải quan cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại gắn với các biện pháp chống thất thu ngân sách.