Tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại

Thứ năm - 07/10/2021 10:52
Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018; Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ và đã có những kết quả khả quan.


Tính đến 20/9/2021: 235 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 20/9/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với khoảng 4,1 triệu bộ hồ sơ của gần 49,5 nghìn doanh nghiệp.
Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức (từ năm 2014 đến tháng 9/2021), số Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia đã tăng lên gấp 4 lần, cùng với lượng thủ tục hành chính tăng 39 lần, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng khoảng 23 lần và số lương hồ sơ được khai báo tăng khoảng 193 lần.
Kể từ sau cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) vào ngày 22/9/2020, các Bộ, ngành đã triển khai chính thức được 35 thủ tục hành chính, gồm: 8 thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 18 thủ tục của Bộ Y tế, 01 thủ tục của Ngân hàng Nhà nước, 6 thủ tục của Bộ Công Thương, 2 thủ tục của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, các Bộ, ngành đã hoàn thành kiểm tra kết nối, chuẩn bị triển khai chính thức 6 thủ tục mới của Bộ Quốc phòng, tiếp tục nâng cấp/ cập nhật 10 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Trao đổi gần 1,5 triệu C/O qua Cơ chế một cửa ASEAN
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, hiện Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Đến ngày 20/9/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là hơn 400 ngàn C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là hơn 1 triệu C/O.
Có thể thấy, sau gần 4 năm kết nối chính thức (từ tháng 01/2018 đến tháng 09/2021) số lượng chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử được trao đổi qua Cơ chế một cửa ASEAN đã tăng lên 336 lần, từ hơn 04 ngàn C/O trong năm 2018 đến hơn 1,4 triệu C/O đến tháng 9/2021.
Bên cạnh đó, việc trao đổi các chứng từ điện tử theo cam kết trong ASEAN đã được thực hiện. Việt Nam đã hoàn thành việc phát triển các chức năng phục vụ cho việc kiểm thử trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và đang phối hợp với các nước để kết nối qua môi trường thử nghiệm.
Từ đầu tháng 8/2021, Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN với Indonesia, Brunei, Lào và các nước ASEAN khác. Theo kế hoạch của ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn kết nối thử nghiệm trong tháng 10/2021 và kết nối chính thức từ tháng 11/2021. Đồng thời, chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.
Liên quan đến triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai “Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử” giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ các ngành cơ bản (New Zealand) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam.
Nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của các Bộ
Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành, phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan để thực hiện các chỉ đạo liên quan đến cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan cũng đã tham gia nhiều ý kiến đối với các văn bản quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của các bộ, trong đó đề xuất cắt giảm danh mục, bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.
Điển hình như tham gia ý kiến xây dựng Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/3/2021 bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu. Theo đó, Thông tư 032021/TT-BYT đã bãi bỏ mã số hàng hóa đối với dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT. Việc cắt giảm danh mục dược liệu này không chỉ giảm số lượng hàng hóa phải quản lý còn giúp giải quyết sự chồng chéo trong quản lý vì nhiều mặt hàng thuộc danh mục dược liệu nhưng chủ yếu được nhập khẩu làm thực phẩm và phải kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các đợt làm việc tập trung để rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu kèm mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính; Rà soát hàng hóa chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; Rà soát kết quả triển khai Quyết định số 1254/QĐ-TTg, Quyết định số 1258/QĐ-TTg; Tiếp tục triển khai các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia...
Tính đến ngày 15/8/2021, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung được 29/38 văn bản (hoàn thành 76,3% kế hoạch), ban hành 48/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS (chiếm 80% kế hoạch) và hoàn thành nhiệm vụ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 22/22 nhóm hàng theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung nguồn lực xây dựng Nghị định làm cơ sở pháp lý để thực hiện cải cách các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 về việc phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu, Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo đúng trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
Để triển khai thực hiện, Bộ Tài chính- Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực, thời gian để thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tài chính đã ban hành các Quyết định: Quyết định số 169/QĐ-BTC ngày 18/02/2021 ban hành Kế hoạch triển khai của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021 – 2023; Quyết định số 923/QĐ-BTC ngày 05/05/2021 về việc thành lập Tổ triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Quyết định số 922/QĐ-BTC ngày 05/05/2021 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đồng thời, Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tiếp và trực tuyến lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định với sự tham gia của thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định, đại diện Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp tại phía Bắc và phía Nam và một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố; họp bàn trực tiếp với một số Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về dự thảo Nghị định gồm: Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; họp bàn với từng nhóm doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định; gửi công văn lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp, Tổ chức đánh giá sự phù hợp và các đơn vị liên quan về dự thảo Nghị định (đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính).
Dự thảo Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc cụ thể hóa 07 nội dung cải cách của Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg; đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của các Luật Hải quan, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Thủy sản; Luật Quản lý ngoại thương;  nhưng không làm thay đổi chức năng quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực mà nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thông qua tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước nhằm bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia.
Ngày 16/8/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có Tờ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị định.
Để đảm bảo hiệu quả và thuận lợi sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai xây dựng và hoàn thiện Hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu triển khai mô hình mới tại Đề án và tích cực tuyên truyền sâu rộng cho toàn thể các đối tượng liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp về việc triển khai Quyết định số 38/QĐ-TTg.
Tiếp tục thực hiện tốt vai trò điều phối triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian tới
Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban 1899, Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện tốt vai trò điều phối trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh, phát huy những kết quả đạt được, đôn đốc, phối hợp khẩn trương, cùng các Bộ, ngành tập trung nhân lực và công nghệ để hoàn thành triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung.  Mục tiêu của Đề án là tái cấu trúc Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu.
Tổng cục Hải quan sẽ tập trung các nhiệm vụ khác như: xây dựng Nghị định về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; triển khai kết nối, tích hợp Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp Logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,347
  • Hôm nay35,433
  • Tháng hiện tại6,464,340
  • Tổng lượt truy cập451,859,462
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây