Thông tin báo chí: v/v tình hình công tác tháng 4 năm 2020 của Tổng cục Hải quan

Thứ hai - 04/05/2020 14:55

1. Thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu

Trong tháng 4 năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 40,1 tỷ USD, giảm 13,4% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 7,9%. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước giảm 3,5% và trị giá nhập khẩu giảm 2,4%.

Với diến biến trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2020 ước tính thâm hụt 700 triệu USD.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 162,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư 3.040.000.000 USD

* Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:

- Dầu thô: xuất khẩu trong tháng 4/2020 ước tính là 500 nghìn tấn, tăng 26,5% và trị giá là 154 triệu USD giảm 14,2% so với tháng 03/2020.

4 tháng đầu năm 2020, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính đạt 1720 nghìn tấn và trị giá là 734 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính trong 4 tháng này tăng 25,6% về lượng và trị giá ước tính tăng 4,6%.

- Quặng các loại: xuất khẩu trong tháng 4/2020 ước tính là 80 nghìn tấn, giảm 65,1% và trị giá là 8 triệu USD giảm 51,8% so với tháng trước.

4 tháng đầu năm 2020, lượng quặng xuất khẩu là 760 nghìn tấn, trị giá là 53 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2019 ước tính giảm 23% về lượng và trị giá ước tính giảm 29,9%.

* Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu:

- Xăng dầu các loại: nhập khẩu trong tháng 4/2020 ước tính là 1000 nghìn tấn, tăng 105,1% so với tháng trước và trị giá là 145 triệu USD, giảm 27,6%.

Lượng xăng dầu nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2.841 nghìn tấn và trị giá là 1.125 triệu USD. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 4 tháng năm 2020 ước tính giảm 7,3% về lượng và giảm 40,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

-  Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2020 là 4 tỷ USD, giảm 21% so với tháng trước; trị giá nhập khẩu 4 tháng năm 2020 đạt 17,7 tỷ USD và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2020 là 3,3 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước; trị giá nhập khẩu 4 tháng mặt hàng này đạt 11,4 tỷ USD và giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ 2019.

-  Sắt thép các loại: ước tính nhập khẩu trong tháng 4/2020 là 1.350 nghìn tấn, tăng 1% và trị giá là 922 triệu USD, tăng 12,6% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu mặt hàng này 4 tháng năm 2020 là 4.656 nghìn tấn đạt 2,9 tỷ USD về trị giá. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng giảm 0,1% về lượng và giảm 6,4% về trị giá.

-  Ô tô nguyên chiếc các loại: ước tính trong tháng 4/2020 là 6 nghìn chiếc, giảm 50,6% và trị giá là 152 triệu USD, giảm 32,3% so với tháng trước.

Lượng nhập khẩu mặt hàng này 4 tháng năm 2020 là 33 nghìn chiếc và trị giá là 710 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng năm 2020 giảm 35,2% về lượng và giảm 36,6% về trị giá.

Nội dung về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19:

2.1 Lượng hàng hóa xuất khẩu ùn ứ tại các cửa khẩu giáp Trung Quốc, cụ thể:

Từ ngày 07/4/2020 đến nay, trung bình mỗi ngày, lượng hàng ùn ứ tại các cửa khẩu phía bắc giáp với Trung Quốc vào khoảng 2.500 xe/cont hàng. Tính trong ngày 20/04/2020, lượng hàng tồn tại các cửa khẩu là 2.687 xe/cont, trong đó: (i) Tại Lạng Sơn tồn 1.847 xe/cont (trong đó xe nông sản xuất khẩu tồn ở các cửa khẩu Lạng Sơn là 1644 xe: Tân Thanh 734 xe, Hữu Nghị 392 xe, Chi Ma 382 xe, Cốc Nam 136 xe); (ii) Tại Quảng Ninh tồn 341 cont hàng đông lạnh, hàng khô; (iii) Tại Lào Cai tồn 438 xe/toa /cont hàng; (iv) Tại Hà Giang tồn 61 xe.

Lượng hàng tồn tại các cửa khẩu là do Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát kiểm dịch làm giảm năng lực thông quan (áp dụng tăng cường quản lý đối với lái xe từ Việt Nam sang giao nhận hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan xuống 5 tiếng/ngày (trước đây là 8 tiếng/ngày) và nghỉ các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết, dừng hoạt động cửa khẩu Bình Nghi - Lạng Sơn).

- Các giải pháp đã và đang triển khai

Tại Lạng Sơn, ngày 9/4/2020, tại Cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn do xe Việt Nam xuất còn tồn khoảng 300 xe bên bãi Trung Quốc chưa được bốc dỡ, vì vậy các lực lượng tại cửa khẩu thống nhất hạn chế thông quan cho xe hàng sang bãi Trung Quốc một ngày để bốc dỡ, giải phóng hết lượng xe hàng tồn bên bãi Trung Quốc quay về thì mới tiếp tục cho xe sang tiếp.

UBND tỉnh Lạng Sơn đã họp thống nhất với Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh 15 ngày để xuất khẩu hết lượng hàng hóa đang tồn, ùn ứ ở cửa khẩu, đặc biệt là nông sản hoa quả.

Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo các đơn vị hải quan chủ động tổ chức hoặc tham mưu cho UBND tỉnh, cơ quan chức năng tại cửa khẩu; tổ chức hội đàm song phương với cơ quan hải quan, chính quyền các tỉnh biên giới để bàn giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đảm bảo công tác phòng, chống dịch và phù hợp với pháp luật của mỗi bên và chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới.

2.2 Về xuất khẩu khẩu trang 

- Thực hiện Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, để thông quan nhanh hàng hóa, Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương về kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở đánh giá rủi ro, lựa chọn các lô hàng nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa, trong quá trình thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu quan sát trực tiếp không đủ dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế thì thực hiện thông quan (công văn số 2012/TCHQ-GSQL ngày 27/3/2020).

- Tổng cục Hải quan đã có tờ trình Lãnh đạo Bộ số 210/TTr-TCHQ-GSQL ngày 22/4/2020 tham gia ý kiến với dự thảo nội dung sửa đổi Nghị quyết 20/NQ-CP liên quan đến quản lý xuất khẩu khẩu trang do Bộ Y tế soạn thảo.

- Số liệu về xuất khẩu khẩu trang (theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan):

+ Trong tháng 4 (đến ngày 19/4/2020): Tổng lượng khẩu trang xuất khẩu là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD. Trong đó: (i) theo khai báo hải quan chủ yếu là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton, (ii) về loại hình: xuất gia công khoảng 36,88 triệu chiếc và xuất kinh doanh, xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng,…) khoảng 51,30 triệu chiếc. (iii) Khẩu trang xuất đi một số thị trường lớn Nhật Bản 32,7 triệu chiếc, Hàn Quốc 17,1 triệu chiếc, Đức 11,1 triệu chiếc, Mỹ 10,4 triệu chiếc, Hồng Kông 4,1 triệu chiếc, Singapo 1,8 triệu chiếc, Ba Lan 1,5 triệu chiếc, Australia 1,5 triệu chiếc, Trung Quốc 1,5 triệu chiếc, Lào 1,2 triệu chiếc, Nam Phi 1,1 triệu chiếc.

+ Năm 2020 (lũy kế từ 01/01/2020 đến ngày 19/4/2020) tổng lượng khẩu trang xuất khẩu là 415,7 triệu chiếc trị giá 63,19 triệu USD.

2.3. Liên quan đến vấn đề nộp C/O

Các doanh nghiệp đề nghị được gia hạn thời gian nộp bổ sung C/O, nộp C/O bản Scan (PDF) để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định do ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19. Căn cứ quy định hiện hành, tình hình thực tiễn và Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã dự thảo đề xuất các phương án:

 (1) Đối với trường hợp nộp C/O để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt: Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020, số 02/CT-BTC ngày 13/3/2020 về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, căn cứ thẩm quyền của Bộ Tài chính quy định tại Điều 27, Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và Điều 32 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, kiến nghị áp dụng thời điểm nộp C/O trong giai đoạn dịch bệnh Covid cho tất cả các mẫu C/O là trong thời gian hiệu lực của C/O, nội dung hướng dẫn này phù hợp với quy định tại các cam kết quốc tế.

(2) Đối với nộp C/O để thông quan: Đề xuất cho phép doanh nghiệp được nộp bản scan (PDF) C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan.

(3) Đối với tra cứu, đối chiếu C/O điện tử trên hệ thống áp dụng cho C/O các mẫu:

Trên cơ sở đề xuất của Indonesia, Ấn Độ về việc Indonesia, Ấn Độ chính thức cấp C/O các mẫu sử dụng con dấu và chữ ký điện tử (affixed signatures and seals). Cơ quan Hải quan có thể kiểm tra thông tin trên C/O thông qua truy cập trang điện tử của cơ quan cấp C/O Indonesia, Ấn Độ; do vậy, đề xuất chấp nhận C/O mẫu D, mẫu AI sử dụng con dấu và chữ ký điện tử từ 01/04/2020 với điều kiện tra cứu được thông tin liên quan đến C/O trên trang điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O làm cơ sở áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Nội dung này áp dụng đối với các mẫu C/O khác nếu không trái với cam kết quốc tế và cơ quan hải quan có thể kiểm tra tính hợp lệ của C/O trên trang điện tử của cơ quan cấp, cơ quan hải quan chấp nhận C/O sử dụng dấu và chữ ký điện tử sau khi có thông báo chính thức từ cơ quan cấp.

Hiện nội dung đề xuất này đang trình lãnh đạo Bộ để lấy ý kiến tham gia của Bộ Công Thương theo hướng xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC quy định xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2.4. Về gia hạn hàng hóa lưu giữ kho ngoại quan đối với các lô hàng

Tổng cục Hải quan nhận được công văn vướng mắc của một số doanh nghiệp về việc gia hạn thời gian lưu kho ngoại quan. Theo trình bày của các Doanh nghiệp thì với lý do khách quan bởi nạn dịch virut Covid-19 bùng phát trên thế giới nên việc xuất khẩu hàng gửi kho ngoại quan sang các nước đang gặp khó khăn do phía bên nước nhập khẩu đa số hiện nay đang từ chối nhận hàng trong khi hàng gửi kho ngoại quan thì sắp hết hạn lưu giữ. Vì vậy, Doanh nghiệp làm công văn đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép gia hạn hàng hóa lưu giữ kho ngoại quan đối với các lô hàng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan 2014: “Hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng thì được Cục trưởng Cục Hải quan quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng”.

Theo quy định tại Luật Hải quan 2014 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ hiện nay không quy định đối với các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh thì được phép gia hạn thời hạn gửi kho ngoại quan. Do đó, cơ quan hải quan không có thẩm quyền quyết định gia hạn thêm thời gian gửi kho ngoại quan. Trước mắt, cơ quan hải quan chỉ hướng dẫn các Doanh nghiệp liên hệ với Chi cục Hải quan quản lý kho để được hướng dẫn phương án xử lý tạo điều kiện tối ưu đối với lô hàng còn hạn được lưu giữ trong kho ngoại quan.

       Về lâu dài với sự bùng phát dịch bệnh ngày càng tăng trên thế giới, việc xuất khẩu của Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn kéo dài. Việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa gửi kho ngoại quan thuộc thẩm quyền cấp Chính phủ (Luật, Nghị định). Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét đưa ra quy định giải quyết các vấn đề về thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa nói chung (không chỉ kho ngoại quan mà còn có các loại hình khác như tạm nhập, tái xuất, …) để tạo điều kiện cho Doanh nghiệp.

3. Tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN)

- Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu từ 1/4 đến 28/4/2020 đạt 20.415 tỷ đồng . Lũy kế cả năm đến ngày 28/4/2020 đạt 99.280 tỷ đồng, bằng 29,37% dự toán, bằng 27,9% chỉ tiêu phấn đấu.

- Trên cơ sở số thu tháng 4/2020, ước kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4/2020 cũng như tình hình kinh tế nói chung hiện nay, ước thu tháng  4/2020 đạt 22.000 tỷ đồng. Tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 101.000 tỷ đồng, bằng 29,88% dự toán, bằng 28,4% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

4. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Tình hình chung: Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh dẫn đến nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế, thiết bị y tế để phòng chống dịch trong nước và ngoài nước tăng cao. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác triển khai phòng, chống buôn lậu mặt hàng trên qua nhiều tuyến như: đường hàng không, đường bộ…và đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ việc. Các đối tượng thường dùng phương thức chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển hoặc khai báo các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Trong tháng 4/2020, lực lượng Hải quan toàn quốc đã bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng không có tính chất phức tạp. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: sản phẩm động vật hoang dã (sừng tê giác), đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, điện, gỗ, gia cầm, sản phẩm gia cầm… được các đối tượng vận chuyển qua các tuyến: hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ.

Về công tác phòng chống việc gian lận giả mạo xuất xứ hàng hóa, trong tháng, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm khai báo sai về nhãn mác, xuất xứ, chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp. Trong tháng, tuyến hàng không bưu điện chưa phát hiện vụ vệc vận chuyển ma túy nhưng với các tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh…tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng, thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, số lượng ma túy bị bắt giữ lớn.

Trước tình hình trên, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng, trong đó tập trung vào: xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm.

Kết quả: Tính từ 16/03/2020 đến 15/04/2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.148 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 195,541 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt 42,694 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 05.

* Các vụ việc điển hình:

- Ngày 19/3/2020, Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc - Cục Điều tra chống buôn lậu tuần tra, kiểm soát trên biển khu vực thuộc vùng biển Vịnh Bắc bộ, phát hiện 01 tàu CHUNG CHINH  đang có hành vi sang mạn hàng hóa trái phép. Qua kiểm tra, trên tàu còn lại 6.550 kiện thuốc lá các loại, đã thả trôi 2000 kiện.

- Ngày 23/3/2020, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến – Quảng Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Móng Cái kiểm tra xe khách phát hiện 01 đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra hành lý phát hiện có 01 (một) đoạn sừng động vật hình trụ nón; các miếng sừng động vật có kích thước khác nhau cất giấu bên trong 02 (hai) hộp cát tông. Tổng trọng lượng: 3,115 kg nghi là sừng Tê Giác.

- Ngày 07/4/2020, Chi cục Hải quan CKSBQT Nội Bài- Cục HQTP Hà Nội phối hợp với Đội 1- Cục Điều tra Chống buôn lậu kiểm tra kho hàng Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Hàng không Việt Nam (ACSV), lo hàng do Hãng hàng không TURKISH AIRLINES vận chuyển Việt Nam, phát hiện 500 cây thuốc lá điện tử = 5.000 bao. Nhãn hiệu HEETS các loại; 20 điếu/bao; 10 bao/cây; 50 cây/kiện (10 kiện). Hàng mới 100%. Chưa xác định được nước sản xuất....

- Ngày 08/4/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo – Cục HQ tỉnh Quảng Bình  trong quá trình làm thủ tục XK cho lô hàng của Công ty TNHH DV TM Nghĩa Cảnh, phát hiện có dấu hiệu nghi vấn và  đã tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng. Qua kiểm tra phát hiện ngoài số lượng hàng hóa đã khai báo có 14.575 kg gạo nếp, gạo tẻ, là hàng hóa thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu .

- Ngày 8/4/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đình Vũ – Cục HQTP Hải Phòng kiểm tra thực tế 01 DN nhập khẩu Hàng hóa theo khai báo gồm 02 mục hàng là: Khí SF6, Sulfur hexafluoride, purity:99.999%, package:GB40L cylinder, 24kg/chai,mới 100%, xuất xứ: Trung Quốc, mã số hàng hóa: 28261900, số lượng: 150 bình (mục 1); Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa hàng là khí hóa lỏng, loại khí Nitrous oxide, còn gọi là ""khí cười"", ký hiệu hóa học: N2O. Chờ kết quả giám định của Vinacontrol Hải Phòng; Cty đã có hành vi khai sai về tên hàng, thành phần, chủng loại hàng hóa nhập khẩu mà cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan.

- Ngày 16/4/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo – Cục HQ tỉnh Quảng Trị làm tờ khai XNK hàng hóa cho Công ty TNHH MTV Đức Long Tiến phát hiện một số mặt hàng không khai báo và không có hóa đơn chứng từ hợp lệ gồm: 57.400 kg gạo nếp, gạo tẻ các loại và 200 thùng Thạch dừa, trị giá hàng hóa ước tính 462,615 triệu đồng. 

- Ngày 17/4/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả -   Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an xuất nhập cảnh Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 03 vụ/03 đối tượng xuất cảnh đi Hàn Quốc trên chuyến bay OZ7747 của hãng hàng không Asian Air  có hành vi mang ngoại tệ vượt mức quy định không khai báo hải quan. Tang vật vi phạm gồm: 69.700.000 WON (1.594 tờ , mệnh giá 50.000Won/tờ).

5. Cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC)

- Về hoàn thiện cơ chế chính sách: Tổng cục Hải quan đang chủ trì xây dựng: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 167/2016/NĐ-CP (Hiện đã hoàn thiện dự thảo gửi VPCP để xin ý kiến thành viên chính phủ); Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP (Hiện đang hoàn thiện dự thảo trình Bộ Tư pháp thẩm định); Nghị định hướng dẫn chế độ tạm quản theo Công ước Istanbul (Hiện đang hoàn thiện dự thảo theo ý kiến kết luận của UBTVQH tại phiên họp 42).

Tích cực phối hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đối với các đề án đã trình Chính phủ: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP (TCHQ đã giải trình ý kiến của thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ký ban hành); Đề án Nghị định về hàng hóa quá cảnh theo hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN – ACTS (Hiện đang trình Chính phủ xem xét ký ban hành).

- Về cải cách TTHC: Triển khai thực hiện đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan: hiện đang tổng hợp kết quả chấm thẩm định, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình chấm thẩm định và yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ bổ sung tài liệu, hoàn thiện hồ sơ Chấm điểm theo quy định; Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu kiểm chứng phục vụ triển khai đánh giá, xác định Chỉ số CCHC năm 2019 của Tổng cục Hải quan, báo cáo Bộ Tài chính; Xây dựng khung báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Tổng cục Hải quan.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới lên 10-15 bậc, năm 2020 tăng từ 3-5 bậc theo tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai các giải pháp khắc phục vướng mắc, giảm thời gian và chi phí, nâng cao xếp hạng Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới năm 2020.

6. Công tác hiện đại hóa hải quan

6.1. Triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại. Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai các TTHC mới, mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia đối với các TTHC đã triển khai thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia đáp ứng mục tiêu và tiến độ Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020.

Tính đến ngày 17/4/2020, đã có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối; 189 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 3,02 triệu bộ hồ sơ và trên 37,7 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Tổng cục Hải quan đang triển khai xây dựng 02 đề án: Hoàn thiện Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg (Hiện đang lấy ý kiến các đơn vị có liên quan để hoàn thiện, trước khi gửi Bộ Tư Pháp thẩm định); Xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung (Đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo Đề án khớp nối với tiến độ xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa để đồng bộ về cơ sở pháp lý và công cụ thực hiện; đồng thời nghiên cứu tiếp thu những thay đổi liên quan đến Đề án đổi mới kiểm tra chuyên ngành đang được xây dựng theo Nghị quyết 99/NQ-CP của Chính phủ).

6.2. Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN

Từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN đề trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kết nối thêm với 05 nước ASEAN gồm: Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin (10/3/2020), nâng tổng số nước ASEAN đã kết nối với Việt Nam lên 9 nước. Đồng thời, Việt Nam đang chuẩn bị để kết nối thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN với Indonesia, Thái Lan và chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesisa.

Tính đến ngày 17/4/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận được từ các nước ASEAN là 199.662 C/O; tổng số C/O Việt Nam gửi đi các nước ASEAN là 226.932 C/O.

6.3. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)

Với mục tiêu “Xây dựng Hệ thống CNTT mới của ngành Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới Hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới”, Tổng cục Hải quan đang triển khai xây dựng dự thảo Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan để trình Bộ phê duyệt.

Tiếp tục duy trì, vận hành ổn định Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của ngành Hải quan. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 171/192 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (chiếm xấp xỉ 89%), trong đó có 162 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 84,4%).

 

Tác giả: Hải Quan Việt Nam

Nguồn tin: Hải quan Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay740,256
  • Tháng hiện tại9,318,534
  • Tổng lượt truy cập469,211,221
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây