Phóng viên: Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ và kinh tế số đang thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xin Bà cho biết để đo lường đóng góp của kinh tế số (KTS), Tổng cục Thống kê (TCTK) đã triển khai những công việc gì?
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK:
Hiểu một cách đơn giản, kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu. Để đo lường đóng góp của KTS hay xác định được bức tranh tổng thể về đóng góp của KTS cần phải triển khai một khối lượng công việc đồ sộ, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Ngay sau khi Luật Thống kê sửa đổi năm 2021 được thông qua, TCTK đã xây dựng, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện môi trường thể chế (pháp lý) là cơ sở cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố các chỉ tiêu về KTS, cụ thể:
- Quy định 22 chỉ tiêu thống kê về chuyển đổi số, KTS trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê;
- Quy định rõ về khái niệm, nội dung, phương pháp tính, phân tổ, kỳ công bố và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp của 22 chỉ tiêu này tại Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ.
- Quy định danh mục 50 chỉ tiêu thống kê KTS tại Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 5 nhóm.
Các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh cũng đã được phân công trong việc thu thập, tổng hợp và công bố các chỉ tiêu KTS. Đối với 50 chỉ tiêu thống kê KTS tại Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT, TCTK được giao chủ trì thu thập, biên soạn 27 chỉ tiêu; Bộ Thông tin và Truyền thông 16 chỉ tiêu; Bộ Giáo dục và Đào tạo: 03 chỉ tiêu; Bộ Công Thương: 01 chỉ tiêu; Bộ Y tế: 02 chỉ tiêu; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 01 chỉ tiêu.
Đối với các chỉ tiêu được phân công, TCTK đã tiến hành lồng ghép việc thu thập, tổng hợp vào các cuộc điều tra thống kê hiện hành; thu thập, tổng hợp thông tin từ các nguồn số liệu sẵn có để tính toán thử nghiệm chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”.
Phóng viên: Xin Bà cho biết trong quá trình đo lường KTS, Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có vai trò như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK:
Để triển khai công tác thống kê, lượng hóa các hoạt động liên quan đến KTS cần xác định vai trò cụ thể của từng Bộ ngành và địa phương để có sự phân công và phối hợp mạnh mẽ, chặt chẽ nhằm sắp xếp các nguồn lực và thời gian.
Trong quá trình thống kê, đo lường đóng góp của KTS, vai trò của từng Bộ, ngành và địa phương được xác định cụ thể:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (TCTK) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan: (1) Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê KTS được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế; (2) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tích hợp, lưu trữ, khai thác số liệu thống kê KTS; (3) Hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê KTS; (4) Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan rà soát danh mục và nội dung các chỉ tiêu thống kê để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành có liên quan: Căn cứ vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê KTS thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công, cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (TCTK) để tổng hợp, biên soạn. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (TCTK) trong sửa đổi, bổ sung Hệ thống chỉ tiêu thống kê KTS khi có yêu cầu, chủ trương từ các cơ quan quản lý của Đảng, Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (TCTK) và chỉ đạo, điều hành các Sở, ban, ngành ở địa phương thực hiện thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu (hoặc phân tổ chỉ tiêu) thống kê KTS trong phạm vi được phân công.
Phóng viên: Xin Bà cho biết khó khăn, thách thức trong quá trình đo lường đóng góp của KTS đối với nền kinh tế?
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK:
Có thể nhận thấy, việc đo lường đóng góp của KTS đối với nền kinh tế sẽ đối diện với nhiều thách thức, điển hình như:
Thứ nhất, thách thức trong việc thống nhất định nghĩa, khái niệm và nội hàm của kinh tế số. Hiện nay, kinh tế số có nhiều khái niệm, quan điểm và cách tiếp cận khác nhau dẫn tới sự khác biệt lớn trong kết quả tính toán quy mô kinh tế số và đóng góp của kinh tế số trong GDP. Điều này cản trở việc so sánh giữa các quốc gia về hiện trạng phát triển kinh tế số.
Thứ hai, thách thức liên quan đến xác định các nguồn số liệu biên soạn quy mô kinh tế số. Để biên soạn đầy đủ quy mô của các hoạt động KTS, các nguồn dữ liệu từ điều tra, báo cáo, hồ sơ hành chính theo phương pháp truyền thống không thể bao quát toàn bộ các hoạt động KTS. Trong tương lai, chúng ta cũng cần nghiên cứu, sử dụng thêm các nguồn dữ liệu phi truyền thống như: Dữ liệu lớn (big data), dữ liệu trực tuyến…
Thứ ba, thách thức trong xác định các hoạt động kinh tế số trong từng ngành kinh tế. Xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội ngày càng tăng dẫn tới khó khăn trong việc xác định và bóc tách hoạt động KTS theo ngành kinh tế.
Thứ tư, thách thức đối với cập nhật và phản ánh các sản phẩm số trong chi phí đầu vào chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất. Công nghệ số, kỹ thuật số đã cho phép sản xuất và phân phối hàng hóa nhanh nhất, nhiều nhất tới người sản xuất và người sử dụng. Do đó nó đang trở thành một yếu tố quan trọng của sản xuất, tương tự như vốn vật chất và vốn vô hình. Việc hạch toán và phân chia giá trị của sản phẩm số vào chi phí trung gian hay tích lũy tài sản cần thống nhất với chuẩn mực của hạch toán kế toán, phù hợp với quy định của Hệ thống tài khoản quốc gia.
Phóng viên: Để bảo đảm thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê về KTS đầy đủ, kịp thời, chính xác phục vụ quản lý, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, xin Bà cho biết định hướng triển khai thực hiện đo lường KTS trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK:
Việc thực hiện đo lường kinh tế số là công việc khó khăn, phức tạp cần được tiến hành thận trọng, khoa học, gắn lý luận với thực tiễn và sử dụng nhiều nguồn lực. Là cơ quan được giao chủ trì thực hiện đo lường kinh tế số, TCTK đã có những định hướng triển khai đo lường KTS như sau:
Về định hướng chung:
- Tăng cường năng lực thống kê trong đo lường KTS theo tiêu chuẩn quốc tế (hệ thống tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán quốc tế (BOP), tiêu chuẩn phân ngành, mã VSIC, …); bổ sung các khái niệm mới, sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số vào rổ hàng hóa và trọng số tính CPI, PPI, GDP…; nâng cao hiệu quả phối kết hợp, cung cấp thông tin, số liệu về kinh tế số và mức độ chuyển đổi số; áp dụng phương pháp và công cụ thống kê hiện đại để đo lường KTS.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê. Xây dựng ứng dụng nền tảng thu thập và xử lý, ứng dụng chính thức dữ liệu lớn tích hợp với kho dữ liệu vi mô tập trung thống nhất và bổ sung các ứng dụng thống kê sử dụng công nghệ dữ liệu lớn vào kho ứng dụng hỗ trợ hoạt động thống kê.
Đối với các chỉ tiêu KTS, tiếp tục lồng ghép việc thu thập, tổng hợp vào các cuộc điều tra hiện hành. Theo đó, nội dung được lồng ghép phải đảm bảo thu thập đủ thông tin để tính toán tỷ trọng của KTS trong từng ngành kinh tế, cũng như tỷ trọng của toàn bộ KTS trong GDP của cả nước. Do vậy, để tính toán được đầy đủ, chính xác, cần có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc cung cấp thông tin đầu vào để biên soạn các chỉ tiêu phản ánh KTS ở cả phía cung và phía cầu.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!