Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), sáng ngày 19/6/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp với Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi Tọa đàm “Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách”.
Tham dự buổi tọa đàm, về phía TCTK có Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương; các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; đại diện Lãnh đạo các Vụ nghiệp vụ. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có bà Phan Thị Thùy Trâm, Phó chánh văn phòng Bộ. Cùng tham dự có các phóng viên, biên tập viên chuyên trách đến từ các cơ quan báo chí và truyền thông ở Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Sự đồng hành của các nhà báo góp phần đưa số liệu thống kê đến gần hơn với người dùng tin.
Phát biểu chào mừng nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Thống kê, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương bày tỏ cảm ơn các nhà báo đã luôn đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Thống kê trong thời gian qua, đưa số liệu thống kê đến gần hơn với đông đảo người dùng tin trong và ngoài nước; và gửi lời chúc đến các nhà báo, những người làm công tác báo chí và liên quan đến công tác báo chí ở trong và ngoài ngành Thống kê luôn “vững tay bút”, mang sức mạnh quyền lực thứ tư, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cùng các Phó Tổng cục trưởng và lãnh đạo các Vụ nghiệp vụ trao đổi, đối thoại cùng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên
Tổng cục trưởng cho biết, thời gian qua, ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê, làm căn cứ để Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý, điều hành tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Với sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh, sự tiếp cận đa dạng của người dùng tin, sự bùng nổ của công nghệ liên quan đến mọi mặt của đời sống..., các phương pháp thống kê vì thế có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội, luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tổng cục trưởng mong các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng ngành Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa những thông tin, số liệu thống kê kịp thời, đầy đủ hơn, đến gần hơn với đông đảo công chúng trong thời gian sắp tới.
Tại buổi Tọa đàm Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách, các Lãnh đạo TCTK và lãnh đạo các Vụ nghiệp vụ thuộc Tổng cục Thống kê đã trao đổi, đối thoại cùng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên về vai trò số liệu thống kê; làm rõ những khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê để các nhà báo hiểu hơn bản chất các số liệu do TCTK công bố.
Phóng viên đặt câu hỏi tại tọa đàm
Với người làm công tác thống kê, không có con số xấu, con số đẹp, chỉ có con số phản ánh đúng thực trạng kinh tế - xã hội
Trả lời câu hỏi “Vì sao chỉ số giá thời gian qua ổn định trong khi thực tế giá lương thực, thực phẩm tăng liên tục?”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) giải thích, số liệu CPI thời gian qua luôn phản ánh đúng xu hướng biến động giá tiêu dùng trên thị trường. Phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của các tổ chức quốc tế ban hành năm 2020. Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (TCTK) khẳng định số liệu CPI thời gian qua
luôn phản ánh đúng xu hướng biến động giá tiêu dùng trên thị trường
Để tính CPI, Tổng cục Thống kê triển khai các công việc: (1) Xác định Danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân, còn được gọi là “rổ” hàng hóa. (2) Xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm trong Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện hay còn gọi là quyền số. (3) Hằng tháng, 63 địa phương tổ chức thu thập giá các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ.
Tổng số mặt hàng đại diện trong “rổ” hàng hóa thời kỳ 2020-2025 là 752 mặt hàng được sắp xếp theo cấu trúc của chỉ số và có hình ảnh minh họa, mỗi hàng hóa và dịch vụ trong danh mục điều tra được mô tả chi tiết về quy cách, phẩm cấp, nhãn mác cụ thể.
Để tính quyền số phục vụ tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2020-2025, TCTK thực hiện thu thập thông tin tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng từ cuộc “Khảo sát mức sống dân cư và Điều tra quyền số chỉ số giá tiêu dùng năm 2018” tại 63 địa phương trong 4 kỳ điều tra nhằm loại trừ yếu tố mùa vụ.
Toàn quốc có khoảng 40.000 điểm điều tra giá với địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc các loại hình kinh tế. TCTK triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử CAPI tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giúp nâng cao chất lượng số liệu điều tra, minh bạch quá trình điều tra, rút ngắn thời gian sản xuất số liệu và tiến tới hội nhập với thống kê thế giới. |
Tọa đàm làm rõ thêm nội hàm của các chỉ tiêu thống kê
Trả lời cho câu hỏi “Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 là hơn 4.000 USD, có thể hiểu là bình quân mỗi gia đình 4 nhân khẩu, bình quân thu nhập mỗi năm là 16.000 USD, tương đương khoảng 380 triệu mỗi năm có đúng không?” của phóng viên, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hai chỉ tiêu thống kê khác nhau và đang có sự nhầm lẫn của người dùng tin giữa hai khái niệm này. Việc nhầm lẫn 2 chỉ tiêu này không chỉ xảy ra đối với phóng viên mà cả với nhiều đối tượng dùng tin khác.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người (thường gọi là GDP bình quân đầu người) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng, phản ánh “toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của một nước trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm); phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế.
Để tính được chỉ tiêu này phải tính được chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP). GDP được tính theo ba phương pháp khác nhau (Phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập). Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người của 1 năm được tính bằng cách chia tổng sản phẩm trong nước của năm đó cho dân số trung bình năm tương ứng. Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người có thể tính theo giá thực tế, tính theo nội tệ hoặc ngoại tệ; cũng có thể tính theo giá so sánh để tính tốc độ tăng.
Còn thu nhập bình quân đầu người là chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng phản ánh “mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư”. Chỉ tiêu này dùng để đánh giá mức sống, phân hóa giàu nghèo, tính tỷ lệ nghèo làm cơ sở cho hoạch định chính sách nhằm nâng cao mức sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo. Để tính được chỉ tiêu này, trước hết phải tính được thu nhập của hộ dân cư. Thu nhập của hộ dân cư là toàn bộ số tiền và giá trị của hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong 1 thời kỳ nhất định (thường là 1 năm). Thu nhập của hộ bao gồm: (1) Thu từ tiền công, tiền lương; (2) Thu từ sản xuất (sản xuất từ các ngành nghề nông, lâm nghiệp và thủy sản và phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và thuế sản xuất); (3) Thu khác được tính vào thu nhập như các khoản được cho, biếu, mừng, từ lãi tiết kiệm… Các khoản thu không được tính vào thu nhập gồm rút tiền gửi tiết kiệm, thu nợ, thu bán tài sản, vay nợ, tạm ứng và các khoản chuyển nhượng vốn nhận được do liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh …
Thu nhập bình quân đầu người 1 năm được tính bằng cách chia tổng số thu nhập của hộ dân cư trong năm cho số nhân khẩu của hộ. Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng bằng thu nhập bình quân đầu người 1 năm chia cho 12 tháng.
Với phân tích trên, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia TCTK chỉ rõ, hai chỉ tiêu này có một yếu tố trùng nhau là thu của người lao động (thu từ sản xuất). Nhưng giữa chúng có khác nhau: Thu nhập bình quân đầu người không bao gồm thuế sản xuất (thu của nhà nước) và khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất (thu của doanh nghiệp) nhưng lại bao gồm phần thu nhập sở hữu và chuyển nhượng hiện hành và ngược lại.
Nhằm làm rõ hơn, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng đã có những ví dụ, dẫn chứng rất sinh động giúp phóng viên có thể dễ dàng hình dung hơn vể 2 chỉ tiêu này.
Năm 2022 được coi là năm Việt Nam có sự phát triển đáng ghi nhận về tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Quy mô GDP giá hiện hành năm 2022 là 9,5 triệu tỷ đồng (tương đương 409 tỷ USD). GDP bình quân đầu người tương ứng là 95,6 triệu đồng/người (tương đương 4.109 USD/người). Với mức này, năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đứng thứ 5 khối Asean (sau Singapore (79430 USD), Malaysia (13110 USD), Thailand (7630 USD) và Indonesia (4690 USD).
Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tương đương 55,2 triệu đồng/năm (tương đương 2373 USD/năm). |
Thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở là cần thiết
Tại buổi Tọa đàm, phóng viên cũng đặt ra câu hỏi “Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi số quốc gia và đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân thì việc thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở theo quy định của Luật Thống kê còn cần thiết không?”
Trả lời cho câu hỏi này, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (TCTK) khẳng định, Tổng điều tra dân số và nhà ở là một trong ba cuộc tổng điều tra lớn của quốc gia. Việc thực hiện TĐT là cần thiết, bởi đây không chỉ là công việc đếm dân số trên cả nước mà còn điều tra nhiều chỉ tiêu khác như nhà ở, nhân khẩu học, điều kiện sinh hoạt, về vấn đề giáo dục, y tế… Với tầm quan trọng đó, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đã có khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam về sự cần thiết thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở tại nước ta.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động trả lời câu hỏi của phóng viên
Tổng cục trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay trừ hai quốc gia có dân số ít là Đan Mạch và Singapore, còn lại hầu hết các nước trên thế giới vẫn đang tiến hành TĐT dân số và nhà ở, như Mỹ, Hà Lan, Nhật, Anh… đều là các quốc gia lớn. Tuy nhiên phương pháp điều tra có sự khác nhau do mỗi nước có cách quản lý dân cư khác nhau. Đối với Việt Nam, thực hiện Luật Thống kê, TCTK vẫn sẽ tiến hành TĐT dân số và nhà ở theo chuẩn quốc tế để đảm bảo tính so sánh và sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Công an để có được con số thống nhất.
Tại buổi Tọa đàm, Lãnh đạo TCTK, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục còn làm rõ hơn về nhiều vấn đề khác như hoàn thiện thể chế pháp luật về thống kê, tỷ lệ thất nghiệp, lượng hóa tác động (thiệt hại) của việc cắt điện cục bộ (nhưng trên diện rộng) vừa qua đến SXKD của các doanh nghiệp không, qua đó là tác động đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát…
Với tinh thần trao đổi, đối thoại cởi mở, chia sẻ từ Lãnh đạo TCTK, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã có thêm những kiến thức về khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê. Tọa đàm “Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách” có ý nghĩa lớn, giúp người làm công tác thống kê và các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có được tiếng nói chung, để cùng mang đến các độc giả trong cả nước những góc nhìn, bài viết phân tích xác thực về bức tranh tình hình kinh tế xã hội cả nước, vùng và mỗi địa phương qua các số liệu thống kê./.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm