Điều tra dân số giữa kỳ

Dự báo tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - những nét tương phản

Thứ ba - 06/06/2023 08:14 4302
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 59 tỉnh, thành phố tăng trưởng dương và 4 tỉnh tăng trưởng âm. Trong đó, Hậu Giang là địa phương được dự báo đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước, ước đạt 14,21%. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Bắc Giang và thành phố Hải Phòng với mức tăng trưởng dự báo ước đạt lần lượt là 10,94% và 9,94%. Nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có mức dự báo tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2023 còn có Quảng Ninh, Cà Mau, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Thuận, Khánh Hoà và Thái Bình.

Như vậy, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất lọt top 10 địa phương có dự báo tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm. 5 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại dự báo có mức tăng trưởng khá khiêm tốn và chỉ xếp hạng mức trung bình cả nước. Cụ thể, Hà Nội được dự báo tăng 5,97%, chỉ xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố; Đà Nẵng 3,74%, xếp thứ 46; Cần Thơ 3,71%, xếp thứ 47 và thấp nhất là thành phố Hồ Chí Minh 3,55%, xếp thứ 48.
 
Hình 1: 10 tỉnh, thành phố dự báo tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2023 (%)
tang truong 6 thang 1
Ngược lại, 10 địa phương có dự báo tăng trưởng thấp nhất là Bắc Ninh (-12,59%), Quảng Nam (-9,16%), Lai Châu (-6,32%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-3,47%), Vĩnh Long (0,44%), Hoà Bình (0,73%), Hà Giang (1,18%), Vĩnh Phúc (1,69%), Sóc Trăng (1,83%) và Sơn La (2,1%).
 
Hình 2: 10 tỉnh, thành phố có dự báo tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 thấp nhất (%)
tang truong 6 thang 2
Hậu Giang vươn lên vị trí đứng đầu cả nước

Với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 dự báo ước đạt 14,21%, tỉnh Hậu Giang tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên đứng đầu cả nước.

Kết thúc năm 2022 đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 13,94%, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 của nước (tăng 35 bậc so với năm 2021), với quan điểm tập trung phát triển 4 trụ cột quan trọng là công nghiệp – nông nghiệp – du lịch và đô thị, kinh tế Hậu Giang những tháng đầu năm 2023 tiếp tục khởi sắc, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Hậu Giang đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Trong quý I/2023, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh không đạt được mức tăng như cùng kỳ năm trước, song vẫn đạt con số khá chú ý với mức tăng 13,05%. Đóng góp trong mức tăng này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất và phân phối điện với mức tăng 286,05% so với cùng kỳ năm trước, do nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I tăng đột biến sản lượng điện sản xuất trong những tháng đầu năm so với cùng kỳ. Tiếp đến là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 23,34% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chủ lực của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trên 74,08% trong toàn ngành cũng tăng 7,17% so với cùng kỳ. Với sự hồi phục của thị trường tiêu thụ trong nước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng trong hai tháng 4 và 5 lần lượt là 14,47% và 13,91% so cùng kỳ; góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 13,92% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tăng 8,34% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 270,92%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,92%.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ước đạt 8,81 nghìn tỷ đồng, tăng 9,03% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà n­ước thực hiện được 1,68 nghìn tỷ đồng, tăng 75,35% so với cùng kỳ năm tr­ước; vốn tự có của doanh nghiệp nhà n­ước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện đ­ược 961,11 tỷ đồng, tăng 145,78% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu t­ư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà n­ước thực hiện được 6,18 nghìn tỷ đồng, giảm 8,32%.

Đóng góp trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của Hậu Giang trong những tháng đầu năm còn có đà tăng trưởng ổn định của tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, nhờ sự phát triển nhanh của thị trường các nhóm hàng bán buôn, bán lẻ cùng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tỉnh Hậu Giang ước thực hiện được 23,32 nghìn tỷ đồng, tăng 13,30%.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19, tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu địa phương cũng có sự tăng trưởng. Ước thực hiện 5 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 455,32 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước thực hiện được 265,09 triệu USD, bằng 99,38% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước thực hiện được 173,80 triệu USD, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng âm do sự sụt giảm sâu của khu vực công nghiệp

Kinh tế của Bắc Ninh được dự báo tăng trưởng giảm mạnh nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023 là do sự sụt giảm sâu của khu vực công nghiệp, đặc biệt ở một số ngành chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tiêu dùng quốc tế suy yếu bởi một số quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái, lạm phát, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, nhất là xuất khẩu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp của Bắc Ninh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, buộc người lao động phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm, thậm chí là giải thể. Cùng với đó, khu vực FDI vốn là động lực kinh tế của Bắc Ninh cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP chung toàn ngành công nghiệp giảm tới 19,02% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là mức giảm nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm sâu 19,15%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng nhẹ 1,44% và ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,02%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh có tới 13/20 ngành cấp 2 tăng trưởng âm, trong đó, một số ngành có mức giảm nhiều như: in, sao chép bản ghi các loại giảm 36,28%; sản xuất trang phục giảm 34,36%; sản xuất thiết bị điện giảm 30,08%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 27,75%.

Bên cạnh đó, mặc dù trong những tháng đầu năm tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước./.

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập799
  • Hôm nay24,404
  • Tháng hiện tại8,569,924
  • Tổng lượt truy cập381,690,261
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây