Tham dự Hội nghị trực tiếp tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thống kê có lãnh đạo Tổng cục Thống kê; các đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các vụ của Tổng cục Thống kê; các đại biểu đến từ 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đại biểu đại diện các Bộ, Ngành. Tham dự trực tuyến Hội nghị có các điểm cầu tại 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh đây là cuộc Tổng điều tra có quy mô rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuẩn bị triển khai Tổng điều tra.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là một trong 3 cuộc Tổng điều tra hết sức quan trọng do ngành thống kê thực hiện sẽ cung cấp số liệu toàn bộ về khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ; giúp phản ánh quy mô GDP, cơ cấu từng ngành kinh tế trong GDP, làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán số liệu GDP của toàn quốc và GRDP của mỗi địa phương. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành của các Bộ, ngành, địa phương, giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương để từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển; xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua; và quan trọng nhất là đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững. Kết quả của cuộc điều tra này cũng sẽ là căn cứ quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn của Bộ, ngành và của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Các nội dung chính sẽ được trình bày, tập huấn và thảo luận trong Hội nghị bao gồm: (1) Phương án Tổng điều tra và những điểm mới của Tổng điều tra kinh tế năm 2021; (2) Quy trình thu thập thông tin, quy trình chọn mẫu đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; (3) Phần mềm thu thập thông tin doanh nghiệp; (4) Giải thích nội dung và cách ghi các loại phiếu; (5) Quy trình, nội dung; phương pháp và phần mềm thu thập thông tin các loại phiếu; (6) Thực hành ghi phiếu; (7) Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát Tổng điều tra; (8) Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí; (9) Giới thiệu trang WEB điều hành tác nghiệp.
Cho đến nay tất cả các công việc chuẩn bị liên quan đến cuộc Tổng điều tra đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cơ bản hoàn thành. Tổng cục Thống kê đã triển khai điều tra thí điểm tại 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Yên, Tiền Giang, từ đó nêu ra những kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hơn cho cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Thay mặt cho Ban Chỉ đạo, Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Tổ trưởng Tổ Thường trực Tổng điều tra kinh tế Trung ương đã trình bày báo cáo giới thiệu nội dung chính của Phương án và các điểm mới của Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Theo báo cáo, cuộc Tổng điều tra năm 2021 có một số điểm mới như sau: (1) Bổ sung thu thập thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phản ánh kinh tế số ở Việt Nam; (2) Xác định và nhận dạng đối tượng điều tra, đơn vị điều tra; (3) Cải tiến cơ bản Phiếu điều tra; (4) Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin; (5) Điều tra đơn vị Hành chính và đơn vị Sự nghiệp; (6) Xây dựng bài giảng điện tử.
Để thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra, Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương đề nghị một số nội dung như sau:
1. Ngành Thống kê thực hiện tốt vai trò chủ trì, hướng dẫn phương án, nghiệp vụ, kế hoạch triển khai Tổng điều tra đối với Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Ban Chỉ đạo địa phương, Tổ công tác các Bộ, ngành; tham mưu và lập kế hoạch cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo địa phương chỉ đạo Tổng điều tra theo phương án thống nhất, phù hợp với đặc thù của ngành và mỗi địa phương;
2. Các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, Sở, Ban, Ngành phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và cơ quan thống kê các cấp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Tổng điều tra. Tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin từ dữ liệu quản lý hành chính như dữ liệu Thuế, đăng ký kinh doanh, quản lý y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông… cho mục tiêu Tổng điều tra. Các đơn vị điều tra chấp hành yêu cầu cung cấp thông tin thống kê theo bảng hỏi Tổng điều tra; thực hiện nghiêm túc kế hoạch Tổng điều tra đã đề ra, đảm bảo hoàn thành các công việc đúng tiến độ.
3. Thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ ở các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền để điều tra viên, người cung cấp thông tin ở các đơn vị điều tra hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp số liệu; cần cung cấp số liệu gì và tính toán như thế nào nhằm đảm bảo chất lượng và tính nhất quán của số liệu;
4. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát với mọi hình thức để đảm bảo phương án Tổng điều tra được triển khai thống nhất ở các Bộ ngành, địa phương, điều tra viên thực hiện tốt quy định khi thu thập số liệu. Đề nghị các đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra và Cục trưởng Cục Thống kê tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tất cả điều tra viên phải thu thập thông tin từ các đơn vị điều tra;
5. Công tác kiểm tra, xử lý số liệu Tổng điều tra cần được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ để sớm hoàn thành tổng hợp, phân tích và công bố số liệu. Tổng cục Thống kê xây dựng đề cương và thực hiện biên soạn các báo cáo chuyên đề từ thông tin của Tổng điều tra, nhằm cung cấp kịp thời thông tin thống kê chuyên sâu phục vụ cho đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và địa phương, phục vụ công tác tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của các Bộ, ngành và địa phương nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp, giúp Đảng và Chính phủ nắm bắt, chỉ đạo tốt chiến lược phát triển đất nước trong tình hình mới.