Đo lường kinh tế số - Một điểm nhấn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Thứ hai - 08/11/2021 09:55
Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng ICT, tức là điện tử, viễn thông và CNTT để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định kinh tế số là một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới: Đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% Tổng sản phẩm trong nước (GDP); đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số và nhu cầu thông tin, số liệu thống kê phục vụ giám sát, đánh giá phát triển, đóng góp cũng như tác động của kinh tế số đối với đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia với 23 chỉ tiêu thống kê phản ánh chuyển đổi số, nền kinh tế số và xã hội số.

Các chỉ tiêu kinh tế số quy định trong dự thảo Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước, Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, Doanh thu dịch vụ viễn thông, Dung lượng băng thông Internet quốc tế, Tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động, Tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng di động, Lưu lượng Internet băng rộng, Tổng số chứng thư số đang hoạt động, Tỷ lệ người dân biết kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông, Tỷ lệ người dân có sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Số dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến, Số lượng thuê bao điện thoại, Tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động, Tỷ lệ người sử dụng Internet, Số thuê bao truy nhập Internet băng rộng, Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet, Số thương nhân có giao dịch thương mại điện tử, Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin, Doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến, Tỷ lệ hộ gia đình có máy tính, Tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội, Chi cho chuyển đổi số, Tỷ lệ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Nội dung 23 chỉ tiêu thống kê gồm: Khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp sẽ được quy định tại Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

23 chỉ tiêu quy định trong dự thảo Phụ lục – Danh mục mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được giao cho các Bộ, ngành tương ứng trong việc chủ trì thu thập, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu này. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm 09 chỉ tiêu; Bộ Y tế chịu trách nhiệm 01 chỉ tiêu; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm 01 chỉ tiêu; Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chịu trách nhiệm 12 chỉ tiêu.

Dự thảo Phụ lục – Danh mục mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã quy định chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP” - Đây là chỉ tiêu quan trọng để đo lường quy mô của nền kinh tế số. Kinh tế số là một mô hình kinh tế mới và dưới góc độ kỹ thuật việc xác định, đo lường quy mô của nền kinh tế số hay sự đóng góp của kinh tế số trong GDP là công việc khó khăn, phức tạp và gặp rất nhiều thách thức, hay nói cách khác đây là chỉ tiêu tổng hợp rất khó. Để biên soạn được chỉ tiêu này đòi hỏi ngành Thống kê cần phải nỗ lực, chủ động xác định định nguồn dữ liệu hiện có cũng như xây dựng phương án thực hiện khả thi…và cần tập trung vào các vấn đế sau:

Một là, đo lường quy mô của nền kinh tế số theo phạm vi rộng nhất, trong quá trình biên soạn có thể phân tổ quy mô kinh tế số theo từng phạm vi (lõi, hẹp, rộng). Theo đó, kinh tế số là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Một nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số.

Trước mắt, tập trung biên soạn và công bố chính thức quy mô kinh tế số theo phạm vi lõi, bao gồm giá trị gia tăng của ngành CNTT-TT và tổng số việc làm trong ngành này. Phạm vi này bao gồm 12 nhóm hàng hóa và dịch vụ CNTT-TT khác nhau thuộc 2 nhóm chính: (i) hàng hóa/thiết bị CNTT-TT (gồm thiết bị tin học văn phòng, thiết bị viễn thông, thiết bị đo lường, điện tử và quang học, máy tính); và (ii) dịch vụ CNTT-TT (gồm dịch vụ viễn thông, dịch vụ phần mềm và dịch vụ thông tin). 

Nghiên cứu và xác định nguồn thông tin để tính kinh tế số theo phạm vi hẹp, phạm vi rộng, quy mô kinh tế số được xác định thông qua giá trị gia tăng của các "giao dịch số" và đóng góp của CNTT-TT vào giá trị gia tăng (chứ không phải doanh thu) của các ngành, lĩnh vực kinh tế số (chẳng hạn, ngành thương mại điện tử có giá trị gia tăng được tạo ra từ các giao dịch số như: (i) đặt hàng trên nền tảng số; (ii) giao hàng trên nền tảng số; và (iii) hoạt động của các nền tảng số (platform-enabled), trong đó ngành nông nghiệp có ít giá trị gia tăng được tạo ra bởi giao dịch số, nhưng cũng cần tính đến để đảm bảo phản ánh đầy đủ hơn.

Hai là, lựa chọn các chỉ tiêu cốt lõi, phản ánh toàn diện nhất về kinh tế số ở tầm vĩ mô (tầm quốc gia) để quy định trong Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng, lồng ghép các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số trong các cuộc điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và sử dụng hồ sơ hành chính cho mục đích thống kê.

Ba là, xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số - Đây là bức tranh tổng thể về đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế và tác động của kinh tế số đối với xã hội. Đây cũng là cơ sở phân công trách nhiệm đối với Bộ, ngành có liên quan trong thu thập, tổng hợp và công bố chỉ tiêu kinh tế số. Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số phải được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm phản ánh toàn diện đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế, cũng như tác động của kinh số đối với đời sống xã hội; bảo đảm tính khả thi (có thể thu thập được); và bảo đảm so sánh quốc tế (theo chuẩn mực quốc tế). 

Bốn là, lồng ghép việc thu thập các chỉ tiêu thống kê kinh tế số vào các cuộc điều tra hiện hành. Theo đó, nội dung được lồng ghép thu thập phải đảm bảo thu thập đủ thông tin để tính tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành kinh tế (theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam năm 2018)…
 
Năm là, tăng cường năng lực thống kê trong đo lường kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế (hệ thống tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán quốc tế (BOP), tiêu chuẩn phân ngành, mã VSIC, mã I/O, đo lường lạm phát….; lưu ý bổ sung các khái niệm mới, sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số vào rổ hàng hóa và trọng số tính CPI, PPI, GDP)…; đồng thời nâng cao hiệu quả phối kết hợp, cung cấp thông tin, số liệu về kinh tế số và mức độ chuyển đổi số. Ngoài ra cần nghiên cứu và tiến tới sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để đo lường nền kinh tế số…
 
                                                            Dương Thị Kim Nhung
Phó vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê - TCTK

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,152
  • Hôm nay104,468
  • Tháng hiện tại10,571,059
  • Tổng lượt truy cập455,966,181
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây