Sáng ngày 15/7/2022, tại Trung tâm Hội nghị Trường Chính trị tỉnh (Lầu 8), UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và phân tích, đánh giá chuyên sâu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố (DDCI) năm 2021, phương hướng và giải pháp năm 2022. Hội nghị có sự tham gia của Đại biểu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch; ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Giám đốc Dự án PCI Quốc gia; Chuyên gia và Diễn giả: Ban Pháp chế; Chuyên gia nghiên cứu PCI, DDCI; Đại biểu của tỉnh gồm có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dự hội nghị còn có khoảng 100 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) là chỉ dẫn tin cậy về môi trường kinh doanh để tỉnh Bình Phước đưa ra những chương trình hành động thiết thực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và đầu tư trên địa bàn. Năm 2021 là năm đầu tiên Bình Phước triển khai chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương. DDCI góp phần giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình và cải thiện môi trường kinh doanh.
Các chỉ số đánh giá DDCI bao gồm (8 chỉ số): Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động; Vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành.
Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế và đời sống an sinh xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế luôn thống nhất quan điểm: Lấy kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; giải quyết thủ tục hành chính với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Vì vậy, trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, tập thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Ban luôn làm việc với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ban luôn cập nhật và công khai đầy đủ các thông tin thuộc lĩnh vực của Ban quản lý lên Trang thông tin điện tử, niêm yết tại bảng tin của đơn vị để các doanh nghiệp có thể dễ dàng truy cập, tra cứu thông tin khi cần thiết, đồng thời lãnh đạo Ban luôn quán triệt tư tưởng cho các công chức làm việc trực tiếp với doanh nghiệp không được gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho các doanh nghiệp. Trong năm 2021, Ban đã tiếp nhận 1.741 hồ sơ (số liệu tính từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 14/12/2021). Trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn là 1.719 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,7%. Số hồ sơ đang trong hạn giải quyết là 22 hồ sơ, chiếm 1,3%, không có hồ sơ trễ hạn. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung bộ thủ tục hành chính được tiến hành thường xuyên nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và kịp thời áp dụng các quy định mới của pháp luật. Trong năm 2021, Ban đã rà soát, tham mưu UBND tỉnh công bố TTHC sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban tại Quyết định 2034/QĐ-UBND ngày 05/8/2021 (Kết quả rà soát như sau: Số TTHC rà soát: 48 TTHC, số TTHC ban hành mới: 22 TTHC, số TTHC sửa đổi, bổ sung: 26 TTHC, số TTHC bãi bỏ: 48 TTHC, tổng số TTHC: 48 TTHC). Ngoài ra, Ban tiếp tục tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, đồng thời tiếp tục duy trì hình thức tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích để giải quyết cho nhà đầu tư, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa các loại chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện việc tiếp nhận và xử lý kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nếu phát hiện các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên khó khăn trong việc tổ chức các hội nghị tuy nhiên Ban luôn công khai hòm thư điện tử, số điện thoại của lãnh đạo Ban để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận ý kiến, thắc mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời đưa ra hướng xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp.
Với tất cả những cố gắng và nỗ lực đó, xếp hạng DDCI của Ban Quản lý Khu kinh tế đạt 78,03 – đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành trên toàn tỉnh Bình Phước. Đó là minh chứng cho sự quan tâm của lãnh đạo Ban trong công tác chỉ đạo, điều hành và sự cố gắng, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của tập thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Ban và đó cũng là động lực để Ban phấn đấu, phát huy và giữ vững kết quả trên trong năm 2022.
Lễ trao giải chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành trên toàn tỉnh năm 2021.
Ngọc Trang