Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 17/03/2023 09:19
Sáng ngày 10/3, Tỉnh ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức họp mặt già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đây là hoạt động thường xuyên, được tổ chức vào đầu năm nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi và xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Tham dự buổi họp mặt, có Bà Lê Thị Xuân Trang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh (Thừa ủy quyền của Thường trực Tỉnh ủy); Bà Trần Tuyết Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Điểu Điều - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh - Thừa ủy quyền của Thường trực HĐND tỉnh; Ông Ma Ly Phước - TUV, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ông Lý Trọng Nhân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và sự có mặt của gần 100 vị già làng, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Bình Phước có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, với 41 dân tộc anh em đang chung sống. Tỉnh có 96 già làng và 345 người uy tín giai đoạn 2023-2027 và đây là những người luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động ở địa phương.
Buổi họp mặt đã khẳng định những đóng góp to lớn của đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới…
Tại buổi họp mặt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đã thông tin tình hình năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh. Đồng thời đánh giá cao vai trò của già làng, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh mong muốn các già làng, người có uy tín tiếp tục làm tốt vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân. Tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Buổi họp mặt đã nhận được 17 ý kiến, trao đổi, tâm tư, nguyện vọng của các già làng, người có uy tín tiêu biểu về những vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm, mong muốn như: các vấn đề liên quan đến việc cấp đất ở; chính sách miễn giảm học phí chohọc sinh, sinh viênđồng bào DTTS; quan tâm giải quyết vấn đềđào tạo nghề, công ăn việc làm cho thanh niên DTTS; hỗ trợ đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở, truyền dạy về văn hóa dân tộc; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS khó khăn, hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững;tăng cường tuyên truyền hơn nữa tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS. Đại diện các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã trả lời tại buổi họp mặt và tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Giải đáp một số các kiến nghị, đề xuất của người có uy tín, già làng, Trưởng Ban Dân tộc Lý Trọng Nhân cho biết: có 13/17 kiến nghị của già làng, người có uy tín liên quan đến công tác dân tộc thuộc các dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà các cơ quan ban, ngành tỉnh đang gấp rút triển khai thực hiện sâu rộng để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh - xã hội. Nhân buổi họp mặt, đề nghị các già làng, người có uy tín tiếp tục tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu, sát sao trong vấn đề nắm bắt tình hình tại địa phương cũng như giữ mối liên hệ mật thiết với UBND cấp xã, cán bộ làm công tác dân tộc tại địa phương để kịp thời phản ảnh, thông tin đến cơ quan có thẩm quyền.