Thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 15/01/2024 của UBND tỉnh Bình Phước về thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các nội dung sau:
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho học sinh nghiêm túc thực hiện các quy định: “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; không tụ tập đua xe; phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ.
- Tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho HS về ATGT đường bộ, các quy định về tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn) về màu sắc, hình dạng…; hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông.
- Ngồi trên xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô, xe buýt, an toàn và đi bộ an toàn; độ tuổi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm; các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện an toàn; cách phòng tránh tai nạn giao thông.
- Quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm; các kỹ năng bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ xảy ra tai nạn, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông.
- Chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục có sử dụng xe ô tô đưa, đón học sinh đến trường thực hiện quy trình kiểm tra số lượng học sinh khi lên xe và rời xe; phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái xe. Tuyệt đối không hợp đồng vận chuyển đưa, đón học sinh đối với các đơn vị vận tải không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô; trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe ô tô và khi lên, xuống xe ô tô”.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT như:
- Thành lập các đội đoàn viên, thiếu niên xung kích tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường và các nút giao thông.
- Tổ chức các trò chơi và sân khấu hóa cho học sinh tìm hiểu luật giao thông đường bộ.
- Tổ chức giảng dạy lồng ghép vào các hoạt đồng giáo dục học sinh (tiết sinh hoạt lớp, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp).
- Đưa tiêu chí chấp hành Luật Giao thông đường bộ vào việc đánh giá, xếp loại rèn luyện học sinh.
- Triển khai cho giáo viên và học sinh tham gia cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội CVNet; gửi tác phẩm dự thi Liên hoan phim toàn quốc về ATGT.
Kết quả thực hiện
- 100% các cơ sở giáo dục phổ thông đã phối hợp với Công an tỉnh, công an các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Honda Việt Nam trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh.
- 100% các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học sinh với văn hóa giao thông”’, “Trường học an toàn, thân thiện, chấp hành tốt luật giao thông”; xây dựng và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Đội cờ đỏ”, “Xếp hàng đón con”,.. tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm; tạo thói quen chấp hành quy định pháp luật về giao thông cho học sinh.
- Các trường đã tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông và không sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông;
- Đa số các trường THPT đã tổ chức hợp đồng xe ô tô đưa, đón học sinh. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 31/37 trường có xe đưa rước học sinh với tổng số xe đưa rước: 108 xe và tổng số học sinh đi xe đưa rước: 3.816 học sinh (tăng 6 xe, 204 học sinh với năm học trước).
- Các đơn vị, nhà trường đã chủ động xây dụng quy định phối hợp giữa cha mẹ học sinh với nhà trường về quản lý học sinh thực hiện an toàn giao thông, tự giác đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô xe gắn máy, không điều khiển mô tô xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe.
- Số học sinh THPT tự đi xe mô tô, xe gắn máy trên 50 phân khối đã giảm nhưng chưa nhiều.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT như: Một số học sinh ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ chưa cao; Tỷ lệ học sinh trung học, đặc biệt là học sinh THPT tự đi xe máy điện, xe máy, xe mô tô đến trường còn cao...