Những nội dung cơ bản và quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước năm 2023

Thứ hai - 27/05/2024 15:14 121
Luật Căn cước công dân năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Tuy nhiên, qua 09 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030)
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế như:
- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã xác định: “Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất”.
- Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định nhiệm vụ là: (1) Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn. (2) Hoàn thành xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên; trong đó có phát triển công nghệ số.
Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện và tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Theo đó, trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua sở 04 chính sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý; trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Vì vậy, để cụ thể hoá các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”. Việc đổi tên Luật là để bao quát các đối tượng điều chỉnh của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích: (1) phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) phát triển kinh tế, xã hội; (3) xây dựng công dân số; (4) hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Theo đó, Luật Căn cước năm 2023 được Quốc hội thông qua đã đáp ứng được những mục tiêu đặt ra trong quá trình xây dựng, khi có hiệu lực thi hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta; đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Điều này cũng phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, cũng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Bố cục và nội dung cơ bản của Luật:
Luật Căn cước năm 2023 có 07 chương, 46 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Căn cước công dân năm 2014 như sau:
- Chương I (Những quy định chung) gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước; các hành vi bị nghiêm cấm.
(1) Luật Căn cước năm 2023 quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, đối tượng áp dụng được mở rộng hơn so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Đối với vấn đề này, trong quá trình xây dựng Luật Căn cước, Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thấy rằng Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về người nước ngoài và công dân Việt Nam; trong đó, tập trung quy định về việc công nhận, xác định quốc tịch, quản lý cư trú (cấp thẻ thường trú, tạm trú…). Tuy nhiên, các luật này đều không điều chỉnh, quy định về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy tại nước ta có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… mà họ và các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch (những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân…) nên để giải quyết tình trạng này, quy định quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam tại Luật Căn cước là cần thiết và phù hợp; nội dung này không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
(2) Luật cũng bổ sung quy định về giải thích từ ngữ để làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về căn cước gồm: Sinh trắc học; Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; Thẻ căn cước; Giấy chứng nhận căn cước; Danh tính điện tử của công dân Việt Nam; Định danh điện tử đối với công dân Việt Nam; Xác thực điện tử đối với danh tính điện tử của công dân Việt Nam; Căn cước điện tử; Ứng dụng định danh quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia.
(3) Các nội dung liên quan đến nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của người dân về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước; hành vi bị nghiêm cấm cơ bản được giữ như quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người dân liên quan đến căn cước điện tử… cho đầy đủ, chặt chẽ.
Chương II (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước) gồm 10 điều (từ Điều 8 đến Điều 17), quy định về: Yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trung tâm dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; số định danh cá nhân của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc cung cấp, thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước; thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước; thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chia sẻ, cung cấp, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
(1) Luật Căn cước năm 2023 quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam từ các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước so với Luật Căn cước công dân năm 2014 để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin người dân.
Hiện nay việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt đem lại những kết quả thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu riêng hoặc không cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu riêng khi đã được kết nối, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Luật Căn cước năm 2023 đã quy định việc bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sử dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Luật Căn cước năm 2023 quy định bổ sung một số nhóm thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước. Điều này là tương đồng với quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở nước ta. Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý Căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước. Việc thu thập, cập nhật các thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định trong Luật Căn cước năm 2023 sẽ bảo đảm quyền con người, quyền bảo đảm bí mật cá nhân quy định trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam.
(2) Đối với các quy định: Số định danh cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước cơ bản được giữ nguyên như Luật Căn cước công dân năm 2014.
- Chương III (Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước) gồm 13 điều (từ Điều 18 đến Điều 30), quy định về: Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; người được cấp thẻ căn cước; giá trị sử dụng của thẻ căn cước; độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp; trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước; các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; thu hồi, giữ thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước và quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước.
(1) Luật Căn cước năm 2023 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ” thành “số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước...”. Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
(2) Luật Căn cước năm 2023 cũng bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc. Quy định này là hoàn toàn bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 05 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ Căn cước cho công dân dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ Căn cước cho cả công dân dưới 14 tuổi như: Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Síp, Equatorial Guinea, Đức, Guatemala, Kuwait, Malaysia, Monaco, Bồ Đào Nha, Rwanda, Syria, Thái Lan… góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và tiện ích của thẻ Căn cước, tài khoản định danh điện tử; nhất là trong việc xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư; giảm chi phí trong thực hiện công tác chuyển đổi số; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho công dân tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.
(3) Đồng thời, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đây là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Thực tế, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là vấn đề đã tồn tại lâu nay ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… thế nhưng lâu nay chưa có bất kỳ 01 văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này. Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được nhà nước, xã hội thừa nhận. Họ có quyền tham gia giao dịch trong xã hội; tuy nhiên, do họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không hộ chiếu, không căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong quản lý, hạn chế rất nhiều trong việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội; phần nhiều trong số họ là những người yếu thế (là người di cư, cư trú không ổn định, là người dân tộc thiểu số, là trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…); đến nay, trải qua nhiều thế hệ (bao gồm cả con, cháu được sinh ra) đều không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu gì về người gốc Việt Nam; việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối với họ, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật; đồng thời đây cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Do vậy, Luật Căn cước năm 2023 đã quy định về quản lý đối với những người gốc Việt Nam; theo đó, sẽ thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam. Quy định này thể hiện trách nhiệm của nhà nước ta và cũng là cơ sở để người gốc Việt Nam có điều kiện để thực hiện trách nhiệm với xã hội, với địa phương nơi đang sinh sống lâu nay; khi họ được xác định có quốc tịch Việt Nam hoặc được công nhận quốc tịch Việt Nam thì sẽ được cấp thẻ căn cước như mọi công dân khác; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.
(4) Cùng với đó, Luật Căn cước năm 2023 còn bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
(5) Đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, Luật Căn cước năm 2023 cơ bản kế thừa các quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và quy định bổ sung việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia (người dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục); cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước cho người dân. Đồng thời, Luật cũng quy định trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (đây là quy định chung, áp dụng trên toàn quốc, không phân biệt theo địa bàn cư trú của người dân như Luật Căn cước công dân năm 2014).
- Chương IV (Cấp, quản lý căn cước điện tử) gồm 04 điều (từ Điều 31 đến Điều 34), quy định về: Căn cước điện tử; kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; giá trị sử dụng của căn cước điện tử; khóa, mở khóa căn cước điện tử.
Trong xã hội số, việc định danh, xác thực con người cụ thể trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết; nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực để tạo dựng nên hệ thống định danh của quốc gia; đây cũng là yêu cầu quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số ở nước ta. Do vậy, việc Luật Căn cước năm 2023 bổ sung quy định về cấp, quản lý căn cước điện tử. Đây là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và phù hợp với yêu càu, đòi hỏi khách quan. Luật Căn cước năm 2023 quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử; căn cước điện tử có giá trị tương đương như thẻ căn cước sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
- Chương V (Bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, Hệ thống định danh và xác thực điện tử) gồm 05 điều (từ Điều 35 đến Điều 39), quy định về: Bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; người làm công tác quản lý căn cước; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lệ phí cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; Bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
Luật Căn cước năm 2023 bổ sung quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ để xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, doanh nghiệp, công dân Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong việc xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Các nội dung như bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lệ phí cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cơ bản được giữ nguyên như Luật Căn cước công dân năm 2014.
- Chương VI (Quản lý nhà nước về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử) gồm 04 điều (từ Điều 40 đến Điều 43), quy định về: Trách nhiệm quản lý nhà nước về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Luật Căn cước năm 2023 đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử để tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hiệu quả trong triển khai thi hành pháp luật.
- Chương VII (Điều khoản thi hành) gồm 03 điều (từ Điều 44 đến Điều 46), quy định về: Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15, Luật số 08/2022/QH15, Luật số 09/2022/QH15 và Luật số 20/2023/QH15; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
Luật Căn cước năm 2023 thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014 và thay thế cụm từ “kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử” bằng cụm từ “kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử” tại điểm 131 Phụ lục IV - Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15, Luật số 08/2022/QH15, Luật số 09/2022/QH15 và Luật số 20/2023/QH15.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho công dân, Luật đã quy định chuyển tiếp theo hướng: (1) Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước, (2) Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp, (3) Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024, (4) Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập714
  • Hôm nay2,360
  • Tháng hiện tại4,580,587
  • Tổng lượt truy cập403,866,567
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây