Chỉ thị tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới

Thứ sáu - 21/04/2023 09:42

   Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban bành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới.
     Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
    Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) và thiệt hại do TNGT gây ra vẫn ở mức cao. Riêng trong Quý I năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 3 nghìn vụ TNGT, trong đó 12 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, một số vụ gây hậu quả thảm khốc làm chết nhiều người trong cùng địa phương, cùng gia đình; khoảng 70% nạn nhân TNGT trong độ tuổi lao động gây tổn thương đến gia đình người bị nạn và toàn xã hội. TNGT liên quan phương tiện vận tải hành khách có chiều hướng gia tăng, chiếm 7,6% tổng số vụ tai nạn. 
     Trật tự, kỷ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét, một bộ phận người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật về giao thông như lái xe sử dụng cồn, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng; vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, phần đường; thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều... bất chấp sự an nguy của người tham gia giao thông. Tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 28 vụ, làm bị thương 10 cán bộ Cảnh sát giao thông, trong đó một số cán bộ bị thương nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
     Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do gia tăng quá nhanh phương tiện cá nhân trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt tại các thành phố lớn, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. 
     Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT, "khoán trắng" cho các lực lượng chuyên trách. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ", chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông. 
     Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên một bộ phận người dân "nhờn luật" khi tham gia giao thông. Đầu tư nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
     Tình hình TTATGT hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT và đòi hỏi ý thức rất cao của người dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. 
     Công tác bảo đảm TTATGT phải quán triệt quan điểm: Đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.
     Mục tiêu đối với công tác bảo đảm TTATGT là: Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiểu TNGT, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
     Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
     1. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
     a) Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT. Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. 
    Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
    b) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông (ATGT). 
    Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. 
Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
     c) Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, "cơi nới" thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải… Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân. 
     Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch… Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, ATGT, trật tự an toàn xã hội. Căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện trên toàn quốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.
     d) Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. 
Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.
     đ) Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về TTATGT đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, trọng tâm là khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, trình Quốc hội thông qua. 
Rà soát, nghiên cứu sửa đổi các chế tài trong Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, chở quả tải trọng cho phép…
     e) Xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương...; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang ATGT. 
     Không đưa vào sử dụng các công trình giao thông khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khắc phục kịp thời các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Bảo đảm và tiếp tục nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện và hạ tầng.
    g) Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, theo hướng định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân. Nghiên cứu, thể chế hóa phương thức cấp biển kiểm soát phương tiện có giới hạn và trả phí sở hữu biển kiểm soát để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công, nguồn tài nguyên biển số.
    h) Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra TNGT…; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Tài chính, Ngân hàng… Huy động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT; năng lực cứu nạn, cứu hộ, cứu chữa nạn nhân.
     i) Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm kết nối liên tỉnh. Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông khoa học, hợp lý; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, quản lý lòng đường, hè phố, xử lý nghiêm các vi phạm đi đôi với việc sắp xếp nơi trông giữ xe, xây dựng, áp dụng phổ cập mô hình các bãi đỗ xe thông minh ngầm hoặc nhiều tầng tại các đô thị lớn.
     2. Một số nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương
     a) Bộ Công an
    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
    - Chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải container trên toàn quốc (hoàn thành trong Quý II/2023).
    - Xây dựng Đề án tổng thể về định danh biển số xe ô tô và hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân, báo cáo Chính phủ trong Quý IV/2023.
    - Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng. Thực hiện thường xuyên, quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
    - Nghiên cứu tổng hợp, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giải quyết, khắc phục ùn tắc giao thông; xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi tuyến đường, địa phương, hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông kéo dài.
    - Qua công tác tuần tra, kiểm soát và điều tra, xử lý TNGT kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Việc kiến nghị giải quyết phải rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đồng thời theo dõi, đôn đốc và thu thập tài liệu, đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.
    - Phối hợp Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức, hình thức xử phạt, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn; nhóm các hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định…; bổ sung các hình thức xử phạt hành chính như bắt buộc lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe…; phối hợp Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu quy định thu hồi Giấy phép lái xe đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy.
   - Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu Trung tâm thông tin chỉ huy, điều hành của lực lượng Cảnh sát giao thông đặt tại Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) kết nối với Công an các địa phương và các bộ, ngành phục vụ chỉ huy, điều hành, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT.
    - Chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT đúng quy định của pháp luật, quá trình điều tra, phải xác định nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông; ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây TNGT phải xác định, làm rõ nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ trong vụ TNGT, phục vụ công tác phòng ngừa và xử lý TNGT chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật; xử lý các cơ sở, cá nhân có hành vi "độ, chế" các loại xe ô tô, mô tô. Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp xem xét đưa ra xét xử công khai, lưu động đối với một số vụ án xâm phạm ATGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để tuyên truyền, cảnh báo, phòng ngừa chung.
    - Điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giao thông, vận tải như: Sản xuất, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả của phương tiện và người điều khiển phương tiện; vi phạm xây dựng, sửa chữa, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; sửa chữa các thông số kỹ thuật để kiểm định cho các phương tiện giao thông vận tải không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đưa phương tiện không bảo đảm an toàn vào hoạt động; các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT.
     - Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông:
    (i) Phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam mở các chuyên mục tuyên truyền về ATGT trên các kênh sóng VTV, ưu tiên tuyên truyền vào các "khung giờ vàng", giờ sinh hoạt chung để tiếp cận được các tầng lớp Nhân dân; 
    (ii) Phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam, nhất là VOV giao thông tăng cường tuyên truyền cảnh báo, phòng ngừa TNGT đối với các tuyến đường đồi núi hiểm trở, các ngày thời tiết không bảo đảm an toàn, trời mưa trơn trượt, sương mù;
    (iii) Phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông và huấn luyện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tổ chức nhà trường, phụ huynh và học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm TTATGT khu vực trường học; 
    (iv) Điều tra cơ bản, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông và chủ động yêu cầu lái xe cam kết chấp hành pháp luật về giao thông. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, người lao động ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông.
    - Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến trong công tác bảo đảm TTATGT. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, sai phạm, chấn chỉnh việc tuân thủ quy trình công tác, tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, tạo chuyển biến rõ nét về hình ảnh người Cảnh sát giao thông bản lĩnh, nhân văn, thân thiện, vì Nhân dân phục vụ.
    b) Bộ Giao thông vận tải
    - Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Chỉ đạo các đơn vị chức năng có giải pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông trong quá trình thi công, cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông. Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 
     Chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, có biện pháp cảnh báo, kiến nghị khắc phục các bất cập là nguyên nhân xảy ra TNGT; xử lý nghiêm các đơn vị không khắc phục kịp thời, gây hậu quả TNGT.
    - Rà soát, tăng cường phân cấp quản lý đường bộ, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và tổ chức giao thông cho các địa phương để chủ động trong công tác tổ chức, quản lý giao thông và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, khắc phục "điểm đen" (hoàn thành trong Quý III/2023).
    - Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp Giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo. Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, kiểm định phương tiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe và công tác đăng kiểm phương tiện.
    - Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức tổng rà soát các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên toàn quốc để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết khắc phục (hoàn thành trong Quý II/2023). 
Tổ chức khắc phục những bất cập về tổ chức hạ tầng giao thông khi có kiến nghị của các cơ quan, tổ chức. Xem xét, xử lý trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" để xảy ra ùn tắc giao thông và TNGT rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
     - Tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa tại các điểm xuất phát, kiên quyết không cho xuất bến tại khu vực mỏ, nhà ga, bến cảng… đối với các xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện sức khỏe... Quản lý chặt chẽ, kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông. Nghiên cứu đề xuất giải pháp tạo sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải giữa tổ chức và cá nhân.
    - Khẩn trương nâng cấp và bổ sung các phần mềm để kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu với Bộ Công an (Cơ sở dữ liệu về xe cơ giới sản xuất lắp ráp trong nước, nhập khẩu; Cơ sở dữ liệu đăng kiểm xe; Cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe; Cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh doanh vận tải…) để phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo đảm TTATGT (Hoàn thành trong năm 2023).
    - Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, sai phạm, kịp thời chấn chỉnh việc thi hành pháp luật, quy trình công tác của lực lượng Thanh tra giao thông trong thực thi công vụ về giao thông.
    c) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn của người dân nhằm từng bước xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong toàn dân.
     d) Bộ Y tế
    - Chỉ đạo tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân trong các vụ TNGT; xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông trong các vụ TNGT.
    - Nghiên cứu, phân tích và tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Hướng dẫn các quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong cơ thể.
    - Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với người lái xe, siết chặt quản lý đối với hoạt động này. Khắc phục triệt để tình trạng cấp giấy khám sức khỏe có nội dung không chính xác, cấp khống giấy khám sức khỏe để trục lợi; khi phát hiện các trường hợp vi phạm phải phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
     đ) Bộ Quốc phòng tăng cường quán triệt cán bộ, chiến sỹ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia; xử lý nghiêm cán bộ, chiến sỹ vi phạm và xem xét trách nhiệm đối với lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản lý cán bộ.
     e) Bộ Giáo dục và Đào tạo
     - Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT; tổ chức học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo đảm TTATGT và đưa việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí phân loại thi đua của nhà trường, giáo viên, đánh giá đạo đức học sinh, sinh viên.
    - Phối hợp Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để tuyên truyền, phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên; mỗi học kỳ phải tổ chức ít nhất 01 buổi tuyên truyền pháp luật về giao thông.
     g) Bộ Nội vụ
     - Tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo, ban quản lý (người đại diện) các cơ sở tín ngưỡng chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về TTATGT; phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình bảo đảm TTATGT đường bộ của các tổ chức tôn giáo.
     - Nghiên cứu hướng dẫn đưa nội dung cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật về giao thông vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm (hoàn thành trong Quý II/2023).
     h) Bộ Tài chính
    - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, ưu tiên nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm giao thông, đấu giá biển số xe và các nguồn tăng thu khác để tăng cường đầu tư cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 14/02/2023 của Chính phủ.
     Ưu tiên bố trí kinh phí bảo đảm TTATGT theo hướng tập trung đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành, giám sát giao thông của các lực lượng chức năng. Báo cáo Chính phủ bố trí nguồn lực cho công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, bảo trì hệ thống quốc lộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông.
     - Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách thuế, lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký xe phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
     i) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
     - Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư công bảo đảm công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan.
    - Cân đối, báo cáo Chính phủ bố trí vốn đầu tư công để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư xây dựng Trung tâm quản lý điều hành giao thông quốc gia.
    k) Đài Truyền hình Việt Nam tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông của người dân; mở chuyên mục tuyên truyền thường xuyên về công tác bảo đảm TTATGT vào các "khung giờ vàng" để khán giả dễ theo dõi.
    l) Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về ATGT, cảnh báo, phòng ngừa TNGT đối với các tuyến đường đồi núi hiểm trở, các ngày thời tiết không bảo đảm an toàn, trời mưa trơn trượt, sương mù.
     m) Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
     - Tiếp tục phối hợp với cơ quan, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các đối tượng, bảo đảm hiệu quả, thực chất.
    - Đánh giá hiệu quả hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian qua và đề xuất mô hình, chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu tình hình mới.
     n) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
     - Căn cứ nội dung, nhiệm vụ tại Chỉ thị này ban hành kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương; phân công rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trên địa bàn quản lý trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để tình hình TTATGT diễn biến phức tạp trên địa bàn.
     - Đối với tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chủ trì đánh giá nguyên nhân, triển khai ngay các giải pháp khắc phục bất cập, rút kinh nghiệm và xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
    - Chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; thực hiện nghiêm quy định "đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông". 
Phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một "tuyên truyền viên" trong tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia. Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình vi phạm.
     - Bảo đảm thực hiện Quy hoạch về hạ tầng giao thông đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tích hợp kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ vận tải công cộng và các phương thức vận tải bền vững khác trong quy hoạch tổng thể, bảo đảm ATGT tốt nhất; tổ chức kết nối thuận tiện để người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.
    - Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện mạnh mẽ, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, chú trọng tuyên truyền trên các trang thông tin báo chí, mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, tổ dân phố…; nội dung tuyên truyền phải có chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức, lòng tự trọng của người tham gia giao thông, quyết tâm hình thành bằng được thói quen, văn hóa không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia; lên án các hành vi vi phạm và đồng tình, ủng hộ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cam kết không sử dụng lái xe nghiện ma túy.
     - Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng và bảo đảm TTATGT tại các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; thường xuyên kiểm tra, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" TNGT trong phạm vi quản lý; xem xét, xử lý trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" để xảy ra ùn tắc giao thông, TNGT rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và trách nhiệm của các đơn vị được giao kiểm soát tải trọng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu… để xe quá tải trọng hoạt động phức tạp trên địa bàn.
     - Cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác đầu tư triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và vị trí cửa ngõ các địa phương, kết nối với Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành giao thông của Bộ Công an để phục vụ có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT và bảo đảm an ninh, trật tự; đầu tư xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông tại địa phương thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 14/02/2023 của Chính phủ.
     - Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành trực thuộc trong việc xử lý, cưỡng chế vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phê duyệt triển khai và quản lý việc đấu nối vào quốc lộ đúng quy định, thời gian.
    - Yêu cầu các doanh nghiệp tại địa phương tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT: (i) Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa phải chấp hành nghiêm quy định về tải trọng phương tiện, tải trọng của hạ tầng giao thông; (ii) Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải chấp hành nghiêm về số người theo quy định, chạy đúng tuyến đăng ký; (iii) Đối với doanh nghiệp quản lý đông người lao động phải tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT.
     - Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện: 
    (i) Quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; thực hiện nghiêm quy định "đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông"; nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ; 
    (ii) Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan tiến hành tổng rà soát, làm việc trực tiếp với các cơ sở kinh doanh có khả năng phát sinh vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động khách đến ăn, uống chấp hành nghiêm quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia; có biện pháp phù hợp để hỗ trợ người đã sử dụng rượu bia không điều khiển phương tiện giao thông;
     (iii) Đối với địa bàn có xảy ra TNGT mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban ATGT địa phương, lực lượng Công an, Thanh tra giao thông vận tải, các đơn vị liên quan tổ chức phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra TNGT nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn gây ra; 
(iv) Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ; 
    (v) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Nhân dân các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tuyên truyền, cảnh giới, bảo đảm ATGT tại những nơi nguy hiểm, ảnh hưởng bất lợi đến việc lái xe an toàn; các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội đô, đường giao thông nông thôn.
     - Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã:
     (i) Quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; thực hiện nghiêm quy định "đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông"; nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ; 
     (ii) Phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về giao thông, nhất là "đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông"; 
     (iii) Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến Nhân dân các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ; tuyên truyền, cảnh giới, bảo đảm ATGT tại những tuyến đường nguy hiểm ảnh hưởng bất lợi đến việc lái xe an toàn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội đô, đường giao thông nông thôn.
     3. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: 
     (i) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực, tự giác, gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, lồng ghép với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và các phong trào thi đua của từng tổ chức chính trị - xã hội; 
    (ii) Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể và coi việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một trong những tiêu chí bình xét thi đua; (iii) Tổ chức đăng ký thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn, điển hình tiên tiến về ATGT.
    4. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ TNGT, nhất là những vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện cản trở, chống đối, chống người thi hành công vụ theo quy định; tổ chức xét xử công khai, lưu động, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật về TTATGT.
    5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện (hoàn thành trước ngày 30/4/2023).
    Giao Bộ trưởng Bộ Công an giúp Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Tác giả: Ngọc Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,972
  • Hôm nay63,431
  • Tháng hiện tại17,885,767
  • Tổng lượt truy cập477,778,454
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây