Những nguyên tắc trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ ba - 09/10/2018 14:42
Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, gồm: “Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ; Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình”.
     Trong đó, nguyên tắc “Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam” mang tính chủ đạo trong phòng, chống bạo lực gia đình bởi nhiều lý do: Xuất phát từ thực tế quan hệ trong gia đình mang tính khép kín với những người xung quanh, việc trong gia đình thì người ngoài ít có cơ hội xen vào. Trong thực tế, những vụ bạo lực gia đình thường khó phát hiện, khi bị phát hiện cũng khó xử lý bởi tâm lý e ngại của nạn nhân và cả những người biết chuyện và thậm chí nếu xử lý rồi thì khả năng tái diễn cũng rất cao. Mặt khác, sự can thiệp của pháp luật có thể dẫn tới phá hoại các mối quan hệ các thành viên gia đình. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải là rất quan trọng, góp phần định hướng hành vi của mỗi người nhằm mục tiêu giúp nạn nhân được trang bị kiến thức để tự bảo vệ; người có thể có hành vi bạo lực sẽ nhận thức được tính chất, hậu quả của hành vi để tự kiềm chế tốt hơn; những người xung quanh biết được trách nhiệm tham gia phòng chống bạo lực gia đình và có ứng xử phù hợp.
     Việc tuyên truyền giáo dục kết hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn, bởi vì người Việt Nam nói chung chịu tác động khá lớn từ những tư tưởng này. Đặc biệt, ở những quan niệm “phép vua thua lệ làng”, trình độ dân trí thấp thì việc giáo dục người dân thông qua các phong tục, tập quán sẽ phát huy hiệu quả lớn nhất.
     Về nguyên tắc “Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật”. Trong lĩnh vực bạo lực gia đình, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi bạo lực có ý nghĩa quan trọng, vì nếu không kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc thì có thể trở thành thói quen, được chấp nhận với cả nạn nhân và người vi phạm. Bên cạnh đó, hành vi bạo lực càng kéo dài sẽ gây ra nhiều tổn thương cho nạn nhân, tổn thương tới mối quan hệ gia đình, xã hội.
     Nguyên tắc “Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ”. Giúp đỡ nạn nhân, bảo vệ quyền, lợi ích của họ là điều cần thiết và được pháp luật ghi nhận như một nguyên tắc quan trọng mà mọi người đều phải tuân theo. Những vấn đề về gia đình, trong đó có bạo lực gia đình thường không nhận được sự quan tâm sâu sắc và đúng đắn của những người xung quanh, vì họ coi đấy là chuyện riêng tư, nội bộ của mỗi nhà. Từ đó, việc giúp đỡ nạn nhân trở nên hạn chế, nhất là khi họ còn lo sợ  sự trả thù của người có hành vi bạo lực. Ngoài ra việc giúp đỡ nạn nhân như thế nào, bằng những phương tiện gì cũng gây cho họ những lúng túng nhất định. Do vậy, pháp luật cho phép họ tùy khả năng, tình hình mà đưa ra những xử sự phù hợp nhất, ưu tiên những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi…
     Về nguyên tắc “Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình”. Bạo lực gia đình từ lâu đã không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Do đó việc phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của cộng đồng chứ không phải chỉ là của nhà nước và những người có liên quan. Bên canh đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vốn gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế, nên rất cần sự quan tâm phối hợp của tất cả các thành viên trong xã hội.
     Việc Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định những nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình rất cụ thể đã thể hiện tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình./.

Tác giả: N.Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,159
  • Hôm nay828,448
  • Tháng hiện tại13,655,928
  • Tổng lượt truy cập473,548,615
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây