Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã đề ra mục tiêu phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định một trong 03 nhiệm vụ đột phá đó là: Nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo… trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trước sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, thanh niên cả nước cần chủ động hơn nữa trong việc phát huy vai trò của mình bằng việc thực hiện tốt thông điệp “5C” dưới đây:
Chuyển đổi: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.Thanh niên tham gia vào chuyển đổi số trước hết cần chuyển đổi tổng thể và toàn diện các hoạt động sống và làm việc từ môi trường thực lên môi trường số. Bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi ấy là chuyển đổi nhận thức. Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2023, định hướng đến năm 2030”. Theo đó quan điểm của Chính phủ là “Nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Chuyển đổi nhận thức là bước đầu tiên, quan trọng và có giá trị tạo động lực để thanh niên tiên phong trong chuyển đổi số.
Chủ động: Chủ động tham gia, hoạt động tích cực trên môi trường số để nhận thức được chuyển hóa thành hành động, mỗi người trẻ đã biết về chuyển đổi số có thể tham gia vào các hoạt động của chuyển đổi số, sử dụng các sản phẩm/dịch vụ công nghệ số. Trong quá trình tham gia và hoạt động sẽ giúp rèn luyện và trau dồi kỹ năng số, từ đó dần hình thành văn hóa số.
Công nghệ số: Đam mê học hỏi, tìm tòi để làm chủ công nghệ, tận dụng những thành tựu, ưu điểm của công nghệ số phục vụ và nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong học tập, làm việc và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Mỗi thanh niên Việt Nam cần mang trong mình khát vọng đổi mới, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ để từ đó có thể tiếp cận nhanh chóng với các nền tảng công nghệ số, các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin, các thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IV.
Cẩn trọng: Tham gia vào môi trường số giúp cho không gian sống của con người được mở rộng một cách bình đẳng ra toàn cầu nhờ kết nối. Điều này không tránh khỏi sẽ có những rủi ro tiềm ẩn như: Lừa đảo mạng, lộ, lọt thông tin cá nhân, nhiễm mã độc, các nội dung văn hoá độc hại… Vì vậy, tham gia vào môi trường số, sống, học tập và làm việc trên không gian mạng mỗi thanh niên cũng cần chuẩn bị cho mình một “màng lọc an toàn” bằng việc thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, tham gia môi trường mạng an toàn, bảo mật và hợp pháp.
Chia sẻ: Văn hóa chia sẻ là một trong những văn hóa số tiêu biểu, và với thanh niên văn hóa ấy thể hiện phẩm chất, sự ưu tú của thế hệ trẻ. Mỗi thanh niên khi tham gia vào chuyển đổi số nếu có gì đã biết, đã tâm đắc hãy hướng dẫn, chia sẻ với những người xung quanh. Người trẻ hướng dẫn người già và trẻ em. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết. Để ai ai cũng được biết, được hiểu, được tham gia vào chuyển đổi số an toàn, lành mạnh và bền vững. Việc xung kích tham gia vào các Tổ Công nghệ số cộng đồng chính là thể hiện vai trò và sức mạnh của tuổi trẻ, thể hiện văn hóa chia sẻ của thanh niên.