Trẻ vị thành niên phạm tội có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có một nguyên nhân rất cơ bản và quan trọng nhất đó là gia đình bỏ rơi, buông lỏng quản lý, phó thác việc giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội. Chính vì vậy, rất nhiều gia đình đã không kịp thời phát hiện, uốn nắn khi con cái có những hành vi sai trái.
Các cháu trong độ tuổi thanh, thiếu niên nằm trong độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý, giai đoạn này các cháu thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính bộc phát thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội. gia đình cần tìm hiểu kiến thức về tâm sinh lý của trẻ trong từng giai đoạn để lựa chọn những hình thức động viên giáo dục
Cùng với đó gia đình cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để quản lý thời gian học hành, sinh hoạt của con em và phối hợp giáo dục, định hướng cho trẻ lý tưởng sống tốt đẹp, cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em tự bảo vệ bản thân, nhận biết và tránh xa môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tiêu cực, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Phải quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của con em mình khi ra ngoài cộng đồng cũng như trong thời gian ở nhà, phải dành thời gian gần gũi để trao đổi, giáo dục các con về nhân cách sống, cách nhận biết thủ đoạn lợi dụng thanh thiếu niên để phạm tội, tác hại của ma túy, các chất cấm dẫn đến bị lệ thuộc và bị lợi dụng vào con đường phạm tội.
Có thể nói rằng, trẻ vị thành viên phạm tội là do rất nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng lúc nào gia đình cũng được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Nếu gia đình thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình thì tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội sẽ giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy, nâng cao vai trò của bậc cha mẹ và những thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ vị thành viên sẽ là một giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc ngăn ngừa trẻ vị thành niên phạm tội.