1. Tổng quan về ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật
Những năm gần đây, có thể thấy rằng, hầu hết mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội đều được thực hiện thông qua phương tiện điện tử, kết nối thông minh. Trong giai đoạn cả thế giới phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid 19 với những diễn biến phức tạp, khó lường thì việc ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ số trong nhiều ngành, lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu đã cho thấy hiệu quả của chiến lược chuyển đổi số ở nhiều quốc gia.
Nhận thức được xu thế và tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, với kỳ vọng cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá cho đất nước trong giai đoạn tới, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, những khái niệm như "chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số" lần đầu tiên được đề cập trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII,.
Để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về chuyển đổi số, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Với quan điểm chỉ đạo là: (1) Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ,
cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số; (2) Người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số; (3) Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số. Theo đó, thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể.
Chuyển đổi số được hiểu là
quá trình thay đổi tổng thể và
toàn diện của cá nhân, tổ chức về
cách sống,
cách làm việc từ môi trường thực sang
môi trường số dựa trên các công nghệ số
[1].
Để thực hiện việc chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, Chính phủ có trách nhiệm kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo.
Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược của Chính phủ sẽ tác động đến hệ thống pháp luật, điều này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hiện hành để đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia. Thực tế hiện nay, pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, do đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh chuyển đổi số. Xây dựng pháp luật để đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu tối đa rủi ro, hướng đến việc ứng dụng công nghệ số trong các ngành và là lĩnh vực khác nhau là đòi hỏi của thực tiễn, trong đó có hoạt động xây dựng pháp luật.
Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ số đang gặp phải một số vướng mắc, khó khăn như thiếu khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; việc định danh điện tử và xác thực điện tử của mỗi cá nhân khi tham gia vào các giao dịch điện tử, giao dịch số chưa xác định được cơ chế bảo vệ hiệu quả; việc để lộ, lọt thông tin cá nhân khi tham gia các giao dịch điện tử, giao dịch số là rất lớn dẫn đến nhiều hoạt động lừa đảo, gian dối trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ hay các mặt khác của đời sống xã hội. Chính vì vậy, chỉ khi có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, khắc phục được những hạn chế, bất cập nêu trên thì chuyển đổi số mới có thể thực hiện được.
Vấn đề cấp bách hiện nay trong việc xây dựng thể chế thúc đẩy việc chuyển đổi số là: (1) đẩy mạnh cải cách, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến khuôn khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số; (2) đẩy mạnh việc xác định danh tính điện tử cá nhân để phục vụ cho chuyển đổi số. Chỉ khi thực hiện được các yêu cầu nêu trên mới có thể có những đột phá nhanh, tạo ra những thay đổi lớn, cơ bản về mặt kinh tế, xã hội, về mặt tâm lý của người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số là rất lớn bao gồm: hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách về công nghệ thông tin và truyền thông về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh theo hướng khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, Internet và không gian mạng; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số. Xây dựng hành lang pháp lý cho định danh số và xác thực điện tử quốc gia; thiết lập khung danh tính số quốc gia; hoàn thiện luật pháp, chính sách về xây dựng, quản lý và kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu; luật pháp, chính sách về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công nghệ mới, sản phẩm mới; luật pháp, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội vào các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh và quản lý sản xuất kinh doanh vào phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới. Hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm an toàn, an ninh các hoạt động kinh tế trên không gian mạng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.
Kiến tạo thể chế về chuyển đổi số hiện nay cần theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số bao gồm: (1) chấp nhận thử nghiệm sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số trong khi quy định pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; (2) Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm, quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số; (3) rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống VBQPPL trong các lĩnh vực chuyên ngành, với 8 lĩnh vực ưu tiên để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; (4) rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống VBQPPL về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh, thuế, phí để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; (5) rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức và hình phạt cho các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian mạng cũng như các hành vi lợi dụng, khai thác trái phép thông tin riêng, cá nhân trên mạng để người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch số.
Tuy lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ trong việc thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia không phải là xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế nhưng để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi số trong 8 lĩnh vực ưu tiên thì cần thiết phải tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, theo đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa các Luật Khám chữa bệnh, Luật Giáo dục, Luật Môi trường, Luật Ngân hàng, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông (Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông ….Trong việc xây dựng thể chế để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số thì phải chấp nhận ban hành VBQPPL để thử nghiệm trong không gian nhất định, thời gian nhất định, không phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, sau quá trình thử nghiệm sẽ tổng kết, đánh giá và ban hành VBQPPL mới để điều chỉnh, Để thực hiện được điều đó thì cần ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật.
2. Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật
Hiện nay, trên thế giới, việc hiện đại hóa hoạt động xây dựng và ban hành văn bản pháp luật ở nhiều quốc gia đang ngày càng được quan tâm. Nghị viện và nhân viên công nghệ phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật. Điều này có thể dẫn đến việc phải đầu tư kinh phí khổng lồ để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật (Big Data); đầu tư để chuyển đổi quy trình xây dựng pháp luật truyền thống sang quy trình xây dựng pháp luật dựa trên các nền tảng công nghệ số hiện đại. Theo các Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật phải đáp ứng 3 yêu cầu: (1) tăng hiệu quả của các hoạt động xây dựng pháp luật; (2) tăng độ chính xác của các quy định; (3) tăng tính minh bạch và niềm tin vào quy trình lập pháp.
Trên thế giới, một số quốc gia đã phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ số thông minh để soạn thảo và sửa đổi các văn bản pháp luật như Hàn Quốc (sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng pháp luật), Canada, Nhật Bản, ứng dụng công nghệ số để soạn thảo văn bản pháp luật, giúp giảm 40% công sức cho người soạn thảo luật... Các quốc gia tiếp cận theo cách rất hiện đại đối với thách thức của việc số hóa hoạt động xây dựng pháp luật. Trong hồ sơ dự thảo văn bản pháp luật, không phải các cơ quan tiếp xúc với các bản giấy hay tệp PDF mà là dữ liệu đã được số hóa. Các chính phủ áp dụng phương pháp tiếp cận dữ liệu toàn diện hơn, trong đó thay vì chỉ thay thế máy tính cũ bằng máy tính mới hoặc văn bản giấy bằng bản PDF, chính phủ tập trung vào cơ sở dữ liệu về pháp luật và sử dụng sức mạnh của tự động hóa để triệt để thay đổi quy trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật.
Ở hầu hết các nước trên thế giới, quy trình lập pháp là quy trình phức tạp, tốn nhiều thời gian trong khi phải tuân thủ thời hạn trình hết sức nghiêm ngặt. Ví dụ, một hoạt động hoàn toàn bình thường trong quy trình lập pháp trong các văn phòng của Quốc hội là một dự luật mới, hoặc một luật sửa đổi luật hiện hành được soạn thảo và trình lên các ủy ban để xem xét. Một dự luật có thể được chỉnh sửa nhiều lần (có thể tới hơn 10 lần chỉnh lý), thậm chí có những đạo luật có tới 400 nội dung sửa đổi. Các dự thảo luật được sửa đổi phải ngày càng hoàn thiện hơn so với các dự thảo trước đó. Hầu hết các cơ quan lập pháp các nước chưa ứng dụng công nghệ số, do đó, Văn phòng Thư ký phải thực hiện lần lượt tất cả các lần chỉnh lý, sửa đổi dự thảo luật để các nhà lập pháp có thể thấy ngôn ngữ được sửa đổi trong ngữ cảnh cụ thể. Một thay đổi, chẳng hạn, có thể chỉ đơn giản là chuyển “và” thành “hoặc” hay thay đổi điều khoản tham chiếu, viện dẫn đến luật khác, v.v., và quá trình này có thể được lặp lại nhiều lần trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật của các ủy ban. Ở cơ quan lập pháp, việc chỉnh lý dự thảo luật được thực hiện một cách thủ công. Các lần chỉnh lý, sửa đổi, đôi khi được viết tay hoặc được đánh lại trên máy tính bởi nhiều nhóm khác nhau, những người sau đó phải đọc lại cẩn thận từng nội dung chỉnh lý, rà soát để bảo đảm không có sai sót. Quá trình này dù được thực hiện với nhiều nỗ lực của người soạn thảo văn bản pháp luật, dù mất nhiều thời gian nhưng vẫn có thể phát sinh các lỗi về kỹ thuật, thậm chí lỗi cả về nội dung.
Chính vì vậy, phương pháp tiếp cận theo hướng dữ liệu được số hóa bắt đầu tạo ra sự khác biệt lớn. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hội đồng nghị viện có thể đưa ra những sửa đổi giống như người soạn thảo văn bản pháp luật theo dõi các thay đổi trong quá trình xử lý văn bản, nhập trực tiếp vào dự thảo luật theo ngữ cảnh và sau đó chỉ với một nút bấm, những thay đổi đó có thể được tạo tự động như một tài liệu sửa đổi. Việc áp dụng công nghệ số trong soạn thảo văn bản pháp luật có thể truyền cảm hứng cho sự thay đổi căn bản về cách thức tiến hành quy trình lập pháp. Một số quốc gia đang áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để giảm bớt gánh nặng cho người soạn thảo văn bản pháp luật. Nếu như người soạn thảo văn bản pháp luật phải làm việc cả đêm để chuẩn bị tài liệu cho phiên họp vào ngày hôm sau của các ủy ban để chỉ ra các sửa đổi trong các dự thảo luật thì việc áp dụng công nghệ số, người soạn thảo chỉ mất vài phút với một vài thao tác đơn giản.
Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu đã được số hóa và sử dụng công nghệ số rất hiệu quả đối với việc sửa đổi các văn bản có nội dung phức tạp khi mà tất cả các sửa đổi sẽ được tự động “nhúng” vào luật hiện hành để người làm công tác soạn thảo có thể xem xét từng nội dung sửa đổi một cách nhanh nhất, người soạn thảo sẽ thấy được các thay đổi khác được đề xuất theo từng ngữ cảnh cụ thể. Người soạn thảo có thể xem liệu sửa đổi đã được soạn thảo chính xác chưa, ngôn ngữ có hợp lý không, việc chỉnh sửa có đúng tiểu mục và tiêu đề của từng mục không. Tất cả điều này được thực hiện trong vài giây, không phải vài giờ và nó đảm bảo độ chính xác cao hơn nhiều trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật so với việc soạn thảo thủ công. Thậm chí, người soạn thảo chỉ cần lên ý tưởng về việc dự thảo luật sẽ bao gồm những nội dung gì, trí tuệ nhân tạo sẽ đưa ra hàng loạt các dự thảo để người soạn thảo tham khảo chỉ bằng một vài thao tác đơn giản.
Hiện nay, một số quốc gia đã ứng dụng dữ liệu pháp luật đã đươc số hóa, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công cụ mạnh mẽ hơn trong quy trình lập pháp. Ứng dụng công nghệ số để theo dõi việc rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của văn bản trong quá trình chỉnh lý văn bản pháp luật là một công cụ tiết kiệm thời gian rất lớn cho người làm công tác soạn thảo, nhất là với các dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều chương, nhiều điều khoản. Công cụ lập pháp dựa trên cơ sở dữ liệu lớn và công nghệ số tác động mạnh mẽ đến việc bảo đảm chất lượng và tính minh bạch của các quy định. Giờ đây, với các tiêu chuẩn dữ liệu lập pháp mà trọng tâm là việc áp dụng công nghệ số thông minh, người soạn thảo văn bản có thể làm được nhiều việc hơn khi sử dụng công nghệ cũ hay soạn thảo văn bản một cách thủ công. Điều này mang đến luồng gió mới cho quy trình lập pháp. Việc soạn thảo nhanh hơn, chính xác hơn có thể mang lại những hiệu quả mới giúp cơ quan lập pháp có thêm thời gian để nghiên cứu nội dung của luật. Công nghệ số có thể cung cấp các công cụ đảm bảo độ chính xác cao hơn trong việc xây dựng luật và có thể sử dụng tự động hóa để cung cấp đầy đủ các thông tin để các dự luật trở thành luật, làm cho công dân tin tưởng hơn vào quy trình xây dựng luật. Đối với công chúng, đây là một công cụ mạnh để bảo đảm minh bạch cho phép bất kỳ người nào quan tâm có thể biết được các điều khoản đã thay đổi như thế nào trong quá trình lập pháp.
Tóm lại, khi người làm công tác xây dựng pháp luật coi trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công việc của mình, họ sẽ nhận thấy được lợi ích mà công nghệ số mang lại nhiều hơn rất nhiều so với xây dựng pháp luật dựa trên công nghệ làm luật đơn giản hay thủ công. Do đó, người làm công tác xây dựng pháp luật cần nhận thức rằng việc số hóa hoạt động xây dựng pháp luật sẽ thay đổi nhiều hơn nữa cách thức chúng ta tạo ra một đạo luật cho đến cách chúng ta có thể hình dung được tác động của các luật và quy định mới trong thực tế đến mức độ minh bạch trong toàn bộ quy trình xây dựng luật.
3. Ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật ở Việt Nam
3.1. Những bất cập, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xây dựng pháp luật
Ở Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong quy trình xây dựng pháp luật còn hết sức hạn chế. Việc soạn thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện bằng các phương pháp thủ công, mất rất nhiều công sức của người soạn thảo nhưng cũng không bảo đảm sự chính xác cao, cụ thể là:- Việc lấy ý kiến chính sách, dự thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện rất hình thức thông qua việc đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị, dự thảo VBQPPL trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến. Việc xử lý các góp ý cũng được tiến hành thủ công, không có hộp thư tự động để trả lời doanh nghiệp, người dân khi họ muốn tìm hiểu thêm về chính sách, dự thảo VBQPPL hoặc chỉ đơn giản là trả lời tự động về việc đã nhận được ý kiến góp ý và cảm ơn ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.
- Không có kho lưu trữ dữ liệu điện tử dùng chung về các dự án, dự thảo VBQPPL để hiểu được lược sử các quy định cũng như việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo, các ý kiến giải trình về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo để làm tư liệu cho các đề xuất nghiên cứu, sửa đổi bổ sung VBQPPL sau này.
- Chưa ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để thực hiện việc rà soát VBQPPL để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thông VBQPPL hiện hành. Rà soát VBQPPL là hoạt động vất vả, mất nhiều thời gian nhưng hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công bao gồm các công việc như tập hợp VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản cần rà soát, xác định văn bản cần rà soát, nội dung cần rà soát theo nhóm vấn đề, xác định các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các VBQPPL để đề xuất sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ VBQPPL. Để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, người làm công tác xây dựng pháp luật phải thực hiện rà soát VBQPPL bằng phương pháp hoàn toàn thủ công như xem xét, đối chiếu với từng VBQPPL, từng quy định của pháp luật có liên quan. Công việc này mất rất nhiều thời gian nhưng lại chưa bảo đảm tính chính xác cao, còn bỏ sót nhiều quy định.
- Việc soạn thảo VBQPPL được thực hiện hoàn toàn thủ công bằng cách soạn thảo trên máy tính nên rất khó xác định các thay đổi sau mỗi lần chỉnh lý. Để bảo đảm tính chính xác của dự thảo, người làm công tác soạn thảo VBQPPL phải thực hiện thêm công việc là xây dựng bản so sánh giữa các dự thảo để có thể xác định chính xác những thay đổi của dự thảo so với các dự thảo trước đó. Việc soạn thảo bằng phương pháp thủ công rất dễ dẫn đến sai sót, nhất là sai sót về kỹ thuật như viện dẫn sai điều khoản do các điều khoản đã được chỉnh sửa trong quá trình soạn thảo. Việc chỉnh lý các dự thảo VBQPPL cũng được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian đọc và soát lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật trong dự thảo VBQPPL.
- Việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến góp ý là công việc nặng nhọc đối với người soạn thảo do khối lượng ý kiến góp ý rất lớn. Các ý kiến góp ý thường được gửi bằng bản giấy nên người tổng hợp ý kiến góp ý thường phải đánh máy lại các nội dung góp ý vào từng mục cụ thể của Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý. Thông thường đối với việc lấy ý kiến dự án luật phải bố trí từ 2 đến 3 người chắt lọc thông tin từ các ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 ngày. Việc đánh máy lại các ý kiến mất rất nhiều thời gian nhưng việc tổng hợp ý kiến cũng khó bảo đảm tính chính xác. Việc tổng hợp ý kiến của các Đại biểu Quốc hội khi thảo luận tổ hay thảo luận tại Hội trường cũng là công việc đòi hỏi sự tỷ mỉ, chính xác, nhưng vẫn đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công trong khi thời gian để Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua dự án luật rất ngắn.
Xuất phát từ những bất cập, hạn chế trong công tác soạn thảo VBQPPL ở Việt Nam hiện nay, việc tăng cường ứng dụng công nghệ số như sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng pháp luật là cần thiết và cấp bách.
3.2. Giải pháp ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải thay đổi toàn diện, xuất phát từ các yếu tố cơ bản của pháp luật về không gian, thời gian, chủ thể pháp lý, các hành vi và phương tiện pháp luật, cơ sở và nội dung pháp luật. Theo đó, tác động của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và robot thông minh, không gian pháp luật sẽ bị thay đổi, có thể vượt ra khỏi phạm vi không gian lãnh thổ thông thường và đại lượng thời gian cũng sẽ thay đổi tương tự theo không gian pháp luật. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật cần phải bảo đảm các yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải xuất phát từ yêu cầu của việc xây dựng VBQPPL có chất lượng, bảo đảm tính khả thi. Một quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL “mở” là yêu cầu bắt buộc đối với một xã hội phát triển nhưng phải được tiếp cận theo hướng hiện đại, cung cấp cơ sở dữ liệu đã được số hóa để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khai thác thông tin hiệu quả.
Thứ hai, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và sự hình thành và phát triển Chính phủ điện tử đòi hỏi phải nghiên cứu để thay đổi quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL theo cách thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, giảm áp lực cho người làm công tác soạn thảo VBQPPL đồng thời nâng cao chất lượng VBQPPL. Tuy nhiên, phải xác định được công đoạn nào của quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL cần ứng dụng công nghệ số vì việc đầu tư công nghệ số cho hoạt động xây dựng pháp luật là hết sức tốn kém.
Thứ ba, việc chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật là cần thiết nhưng không phải cố gắng làm theo phong trào mà phải lượng hóa được giá trị của việc chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật, tính toán được lợi ích và chi phí (phải chứng minh được việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu chi phí, bao nhiêu nhân lực cho việc xây dựng VBQPPL).
Tóm lại, để thích ứng với yêu cầu về chuyển đổi số thì quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL cũng phải linh hoạt, gắn với việc số hóa hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL; phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật; tạo lập dữ liệu mở về hệ thống VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPL, dự án, dự thảo VBQPL trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc ban hành VBQPPL; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL trên cơ sở ứng dụng công nghệ số như “dữ liệu lớn”, “trí tuệ nhân tạo”. Để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật cho người làm công tác xây dựng pháp luật. Ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật để họ biết ứng dụng công nghệ số trong công việc xây dựng, soạn thảo VBQPPL.
Hai là, xây dựng, ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả việc lấy ý kiến chính sách, dự thảo VBQPPL thông qua các nền tảng số; cung cấp dữ liệu pháp luật đã được số hóa về dự án, dự thảo VBQPPL để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Ba là, nâng cấp, vận hành Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương; phát triển, khai thác, sử dụng triệt để phần mềm soạn thảo VBQPPL; sử dụng hiệu quả mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động xây dựng pháp luật.
Bốn là, phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung về xây dựng pháp luật, kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sử dữ liệu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu nhưng phải có hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng để dùng chung dữ liệu pháp luật giữa các cơ quan nhà nước. Nâng cao khả năng tích hợp, kết nối liên thông, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, hạ tầng cơ sở thông tin, hạn chế đầu tư trùng lặp.
Năm là, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị sẵn có; ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật; xác định các vấn đề cần ưu tiên chuyển đổi số trong chiến lược quốc gia về chuyển đổi số để tập trung nguồn lực nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các VBQPPL có liên quan.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng pháp luật, theo đó cần tổ chức tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hội nhập và lĩnh hội những thành tựu của các quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật (ví dụ như học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng pháp luật).
Tóm lại, không nhất thiết mọi hoạt động trong xã hội phải thực hiện việc chuyển đổi số mà việc chuyển đổi số trước tiên phải xuất phát từ nhu cầu nội tại của các hoạt động và phải thuận theo quy luật khách quan. Hiện nay, chúng ta chưa đào tạo được nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật chất lượng cao, thành thạo công nghệ, đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật. Do đó, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật cũng phải tiến hành từng bước không nên nóng vội vì nguồn kinh phí để đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật là rất lớn nhưng hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật là không thể phủ nhận.