PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỒNG BÀO TÔN GIÁO TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thứ ba - 02/06/2020 08:15
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỒNG BÀO TÔN GIÁO TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Môi trường là vấn đề hệ trọng, là điều kiện sinh tồn của mỗi quốc gia. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn dân, toàn xã hội, trong đó có đồng bào tôn giáo.
1. Để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo vệ môi trường, thì sự tham gia của đồng bào tôn giáo có vai trò rất quan trọng. Tuy đây là những cộng đồng có đời sống tinh thần đặc thù, phụ thuộc vào đức tin tôn giáo, nhưng nhìn chung, giáo lý các tôn giáo đều có điểm tương đồng, trước hết là những điều răn dạy con người giảm bớt sự ích kỷ, thương yêu nhau, sống từ bi, bác ái, hòa hợp và tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, khi mà trách nhiệm bảo vệ môi trường cần sự chung tay của tất cả mọi người.
Cùng với số lượng đồng bào tôn giáo ngày càng tăng, sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào nhiều lĩnh vực đời sống xã hội là điều kiện thuận lợi để phát huy, động viên sự tham gia của các tín đồ tôn giáo tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Nhiều tôn giáo đã và đang tích cực tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông gắn với những buổi giảng đạo và trong các ngày lễ tôn giáo. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên vận động tín đồ trồng cây xanh ở cơ sở thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn; tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường do chính quyền tổ chức. Đồng thời, tại các buổi sinh hoạt giáo lý, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên tuyên truyền tới tín đồ về vai trò và ý nghĩa của vệ sinh môi trường đối với tín ngưỡng tôn giáo và sức khỏe con người.
Năm 2015, tại hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, đại diện lãnh đạo của 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường giai đoạn 2015-2020 (Chương trình) với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp. Qua hơn 4 năm thực hiện, Chương trình đã tạo được sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản trong nhận thức của các lãnh đạo và tổ chức tôn giáo. Ở mỗi địa phương, các nội dung của Chương trình phối hợp được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”...
Ðến nay, cả nước có hơn 1.000 mô hình điểm của các tôn giáo về bảo vệ môi trường được triển khai. Ở nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo đã triển khai, xây dựng mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: thành phố Cần Thơ có mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; tỉnh Quảng Nam có mô hình “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường” tại chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành; mô hình “Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu” của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn. Cùng với đó là nhiều mô hình, phong trào ở khắp cả nước, như: Giáo xứ, cơ sở thờ tự xanh, sạch, đẹp; Cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo; Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự; Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hằng tuần; Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa… đã tạo sức lan toả lớn trong xã hội, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị trong cải thiện, phục hồi các chỉ số thành phần chất lượng môi trường.
Mới đây, tại hội nghị toàn quốc “Biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” (diễn ra tháng 10-2019 tại thành phố Huế), lãnh đạo của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam đã cùng các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và cam kết tăng cường trách nhiệm, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường trong những năm tới; phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Nhiều thông điệp của các tổ chức tôn giáo được đưa ra tại Hội nghị mang ý nghĩa sâu sắc. Phật giáo đưa ra thông điệp: “Mỗi người, bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình…”. Công giáo với thông điệp: “Chúng ta, những người Việt Nam trên dải đất thân yêu này, hãy cùng nhau, bằng tất cả trái tim, bằng khối óc, bằng ý chí, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn tình trạng bi đát của trái đất này trước khi quá muộn…”. Phật giáo Hòa Hảo đưa ra thông điệp:  “Nếp sống đạo của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không tách rời cuộc sống đời thường và bổn phận phải bảo vệ môi trường tốt đẹp, an toàn và bền vững cho cuộc sống” …
Bên cạnh những yếu tố tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình tham gia bảo vệ môi trường của cộng đồng tín đồ tôn giáo như: Đối tượng chủ yếu tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tập trung vào nhóm người lớn tuổi và học sinh, sinh viên; các hoạt động truyền thông về môi trường trong đồng bào tôn giáo chưa mang tính định kỳ, chủ yếu theo sự kiện và chưa được định hướng theo kế hoạch; hoạt động truyền thông tập thể có sự tham gia đông đảo đồng bào tôn giáo thường diễn ra trong thời gian ngắn; phương thức phổ biến thông tin môi trường ở các tôn giáo chủ yếu là lồng ghép và vận dụng giáo lý, giáo luật và cung cấp kiến thức thông qua các phong trào tập thể…, nên tính hiệu quả trong bảo vệ môi trường chưa cao...
2. Để phát huy mạnh mẽ sự tham gia của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường, góp phần cùng toàn xã hội giải quyết có hiệu quả một trong những vấn đề nan giải mang tính toàn cầu, cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong cộng đồng, tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền. Trong đó, cần chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng; hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Hai là, các tôn giáo cần lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Đồng thời, cần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường.
Ba là, Nhà nước cần sớm ban hành bộ tài liệu về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở để các tổ chức, cá nhân tôn giáo có kế hoạch triển khai việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trong sinh hoạt tôn giáo phù hợp đối với mỗi tôn giáo. Mặt khác, cần xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo để người có đạo và không có đạo có thể tham gia thực hiện.
Bốn là, tăng cường vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng dân cư. Các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương cần bố trí kinh phí để hỗ trợ các tổ chức tôn giáo thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng các mô hình tự quản về môi trường ở khu dân cư tôn giáo gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Năm là, phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự. Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để các tôn giáo tham gia đồng hành hiệu quả hơn nữa với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường./. (Theo Tạp chí Tuyên giáo)

Tác giả: Phương Anh - BTG

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập785
  • Hôm nay2,092
  • Tháng hiện tại11,193,434
  • Tổng lượt truy cập471,086,121
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây