Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 20/08/2020 10:18
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, trong khó khăn hoạn nạn, tinh thần này được khơi dậy mạnh mẽ. Các tôn giáo thể hiện tinh thần nhập thế bằng cách tham gia vào những hoạt động nhằm góp phần cứu nhân độ thế. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong đó có đồng bào các tôn giáo đã đóng góp nguồn lực to lớn cùng với chính quyền và Nhân dân cả nước quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp với đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 2 trong cộng đồng từ ngày 25/7/2020 tại thành phố Đà Nẵng. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành cùng toàn dân chung tay nỗ lực khống chế dịch bệnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Ngày 30/7/2020, Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 1307/SNV-TG gửi các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh đề nghị tạm dừng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người để phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 và bệnh Bạch hầu. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, các tổ chức tôn giáo đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chung tay phòng chống dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng. Ngày 28/7/2020, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, thành phố, Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử 34 tỉnh, thành khu vực phía Nam, đề nghị tạm dừng các hoạt động dành cho giới trẻ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19. Tiếp đó, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố, các Học viện Phật giáo, cơ sở đào tạo Phật giáo và tăng, ni các cơ sở tự viện trong cả nước tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 trong tình hình mới. Đạo Công giáo cũng đã kịp thời đề nghị các tổ chức tôn giáo cơ sở tạm dừng các hoạt động lễ hội tôn giáo tập trung đông người. Ngay sau khi có văn bản của Sở Nội vụ, Văn phòng Tòa Giám mục Ban Mê Thuột đã có thông báo gửi các linh mục, tu sỹ, tín đồ trong hai Giáo hạt Phước Long và Đồng Xoài về việc ngưng cử hành Thánh lễ và sinh hoạt cộng đoàn…Từ đầu năm đến nay, là dịp lễ thường niên của tôn giáo như: lễ Phục sinh của đạo Công giáo và đạo Tin lành, lễ Phật đản của Phật giáo, tết Chol Chnăm Thmây của người Khơme…và các cuộc lễ riêng của các cơ sở tôn giáo hầu hết đã không tổ chức tập trung trong đợt dịch hoặc bằng hình thức trực tuyến (online), cầu nguyện tại nhà để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Mặc dù việc tạm dừng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của tín đồ, nhưng đại đa số tín đồ các tôn giáo đều đồng thuận, tự giác chấp hành, đồng hành cùng với chính quyền quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Các việc làm trên đây đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo trong việc kịp thời hưởng ứng, chung tay cùng chính quyền và Nhân dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa ghi nhận có ca mắc Covid - 19. Đây là thành công bước đầu, có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức tôn giáo. Không chỉ tuyên truyền cho tín đồ, giáo dân chấp hành các quy định của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh, các tổ chức tôn giáo đã chung tay, góp sức cùng với chính quyền trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động, quyên góp, tổ chức các hoạt động từ thiện giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid - 19 lần thứ nhất, đã có những mô hình, sáng kiến hay như: “siêu thị 0 đồng”, cây ATM gạo,… giúp đỡ bà con nghèo ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều tổ chức, cơ sở tôn giáo đã vận động, quyên góp, tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội bằng nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu trong công tác này có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Bù Gia Mập, cá nhân Đại đức Thích Minh Hậu - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Bù Gia Mập, trụ trì chùa Đức Hạnh. Ngày 01/6/2020, tại UBND xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập tổ chức khai trương Máy rút gạo tự động (ATM), các gian hàng 0 đồng nhằm hỗ trợ cho 1.400 hộ nghèo vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19. Bản thân Đại đức Thích Minh Hậu đã ủng hộ hơn 1 tấn gạo cho cây ATM gạo ở huyện Bù Gia Mập, vận động xây dựng chương trình “Thắp sáng ước mơ” trao tặng học bổng, dụng cụ học tập giúp đỡ trẻ em mồ côi trên địa bàn. Tại chùa Tịnh Quang, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành đã mở “siêu thị 0 đồng”, gồm các nhu yếu phẩm như gạo, mì gói, dầu ăn, bột ngọt… trị giá 400 triệu đồng hỗ trợ bà con nghèo, khó khăn trong đợt dịch Covid - 19 vừa qua. Kết quả của đợt vận động được hơn 2.000 phần quà, mỗi phần quà trị giá từ 300 - 400 nghìn đồng; 3.150kg rau, củ các loại; 815 kg gạo…trị giá trên 700 triệu đồng.Hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQVN tỉnh về toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid - 19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trong tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã vận động tăng, ni, phật tử ủng hộ 30 triệu đồng tại lễ phát động. Đạo Công giáo với tinh thần yêu thương phục vụ, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã tổ chức các hoạt động: bếp “yêu thương” mỗi ngày phục vụ 400 phần ăn cho bà con tại xã An Khương, huyện Hớn Quản; mở siêu thị “hiệp thông” 0 đồng phục vụ bà con nghèo tại xã An Khương và Tân Hưng, huyện Hớn Quản, gồm các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như: gạo, mì tôm, dầu ăn, thịt, cá, rau củ quả…tổng trị giá 150 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh còn tặng 1000 chai dung dịch sát khuẩn, 3000 khẩu trang cho bà con phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Đạo Tin lành và các tổ chức tôn giáo khác trên địa bàn tỉnh đã có các hoạt động từ thiện xã hội như: tặng học bổng, tặng quà cho trẻ em nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền, vận động bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo…; nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường cũng là cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trên đây chỉ là một số hoạt động tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo, trong phạm vi bài viết này chưa thể nêu hết. Chỉ biết rằng, với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo” các tổ chức tôn giáo đã đóng góp ngày một nhiều hơn, thiết thực hơn cùng với chính quyền các cấp chăm lo đời sống của Nhân dân. Chính quyền luôn trân trọng ghi nhận, khuyến khích các tổ chức tôn giáo phát huy các nguồn lực vào công tác an sinh xã hội. Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid -19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, do đó mong rằng các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành các quy định của cơ quan chức năng, đóng góp nguồn lực quan trọng của mình trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid - 19./.