BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

Thứ ba - 28/07/2020 16:15
BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020
 Ngày 25/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 18 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, để kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020; cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp.
          1.Quyết liệt, hiệu quả hơn
          Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2020, cùng với những kết quả đạt được quan trọng về phòng, chống dịch bệnh, kinh tế, xã hội, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được dư luận, nhân dân, cán bộ, đảng viên đồng tình, đánh giá cao, nhất là vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Kết quả thực tế đã khẳng định rõ, công tác phòng, chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, hiệu quả hơn, với những kết quả nổi bật.
          Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ sai phạm, trong đó có cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý và cán bộ có liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 186 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý (trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng), cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng.
         Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 21.943 tỷ đồng và 507 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 805 tập thể, 12 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 42 vụ, 46 đối tượng; hoàn thành kết luận thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc.
         2.Làm rõ các trường hợp liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp
         Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều vụ án, bị can; xử lý dứt điểm một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài; tập trung điều tra, làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm trong một số vụ án, vụ việc có liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt yêu cầu.
         Từ sau Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý dứt điểm 06 vụ án, bổ sung mới 01 vụ án; khởi tố mới 13 vụ án/16 bị can; phục hồi điều tra 03 vụ án/05 bị can; mở rộng điều tra, khởi tố thêm 55 bị can trong 11 vụ án; kết thúc điều tra 11 vụ án/63 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 07 vụ án/44 bị can; xét xử sơ thẩm 09 vụ án/27 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/47 bị cáo. Nhất là, đã tập trung điều tra, làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm trong một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế có liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm xử lý đối với các vụ án: Vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án xảy ra tại Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên.
         Cơ quan chức năng đã hoàn thành xét xử một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm: Vụ án xảy ra tại Công ty Hải    Thành, Quân chủng Hải Quân; vụ án xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone; vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Đà Nẵng.
        Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương tiếp được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm đã khởi tố mới 143 vụ án/399 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ.
         3.Thu hồi tài sản đạt trên 37.000 tỷ đồng
         Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu; đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng, thi hành án dân sự trong cả nước đã thu hồi được trên 37.000 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 11.700 tỷ đồng và nhiều tài sản, bất động sản có giá trị khác.
         Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều Đề án, nhiệm vụ quan trọng theo Chương trình công tác. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản về xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, nhất là các quy định phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ. Nhiều dự án luật quan trọng được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, góp phần hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, như: Luật Giám định tư pháp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Xây dựng...
       4. Phát huy vai trò của Mặt trận, báo chí và nhân dân
        Sáu tháng đầu năm 2020, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng; tăng cường các tin, bài, phóng sự điều tra, phản ánh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phản bác, đấu tranh các luận điệu lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, chống phá đại hội đảng các cấp. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo tăng cường giám sát việc thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận và xử lý tốt các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng được phát huy.
        Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung công việc theo Chương trình công tác và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo; duy trì nghiêm túc, hiệu quả cơ chế hội ý, giao ban hằng tuần, hằng tháng để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Các Thành viên Ban Chỉ đạo chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; hoàn thành nhiều đề án, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý, phụ trách. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả tham mưu, giúp việc, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; cụ thể, quyết liệt hơn trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản, hiệu quả hơn, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.
         5.Tập trung hoàn thành xét xử sơ thẩm 9 vụ án trọng điểm
         Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo thống nhất tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo; các nội dung công việc theo Kết luận tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo, Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.
        Trong đó, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Từ nay đến hết năm 2020, phấn đấu kết thúc điều tra 15 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án, xét xử sơ thẩm 20 vụ án, xét xử phúc thẩm 06 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 19 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhất là tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử sơ thẩm 09 vụ án trọng điểm theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Chín vụ án trọng điểm gồm:
(1) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
(2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh;
(3) Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan;
(4) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”  xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ;
(5) Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan;
(6) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên;
(7) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn;
(8) Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”;
(9) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
           Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, nhằm giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo về tiêu cực, tham nhũng liên quan đến đại hội đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra chuyên đề việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.
           Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; sớm ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; sửa đổi Luật Thanh tra; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị.
          Ban Chỉ đạo chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng; kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để gây rối, bôi nhọ, làm mất đoàn kết nội bộ, chống phá đại hội đảng bộ các cấp; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thành các đề án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
          Tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất quan điểm xử lý đối với những hành vi sai phạm trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, giao các cơ quan chức năng nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật để áp dụng trong thực tiễn.
          Ban Chỉ đạo đã thông qua báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ tại một số địa phương; báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Đề án sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 07-QC/BCĐTW ngày 09/4/2013 của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp.
          6.Tổng kết, rút kinh nghiệm cho khóa tới
          Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo nêu rõ: Chuẩn bị Đại hội đến nơi, phiên họp này cũng gần như kết thúc nhiệm kỳ, mang tính tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra chủ trương, giải pháp, những việc làm cho khóa tới chứ không chỉ là 6 tháng cuối năm. Hôm nay thảo luận bước đầu, còn phải thảo luận nữa để tổng kết nhiệm kỳ, xây dựng chương trình hành động của Ban Chỉ đạo khóa tới, bởi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn phải làm lâu dài, còn nhiều việc phải làm.
         Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định, vừa rồi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chững lại, không chùng xuống, ngược lại ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có sức răn đe lớn và cho chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm hay. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng qua từng bước, từng bước, đến nay gần như đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể cưỡng lại được. Không chỉ cơ quan chức năng làm, mà quần chúng cùng làm, thế mới là thành công. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, khó khăn, thời đại nào cũng có, hết cái này nảy sinh cái khác, nên phải luôn luôn tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tiếp.
         Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Vừa qua chúng ta đã làm rất nhiều việc, từ công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, kỷ luật nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ sai phạm, cả cán bộ cấp cao, cán bộ đương chức, nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng, không loại trừ ai. Nhưng trong khi làm, chúng ta vẫn có ý thức bảo vệ cán bộ và mang tính nhân văn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử  được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn".
         Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, cấp có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 24 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 26 sỹ quan cấp tướng, qua đó thể hiện sự quyết liệt, không nể nang.
         Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 8.883 vụ/14.984 bị can, truy tố 7.346 vụ/14.247 bị can, xét xử sơ thẩm 6.934 vụ/13.287 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Riêng Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý 127 vụ án, 92 vụ việc, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 64 vụ/600 bị cáo, trong đó 16 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (gồm 6 nguyên Ủy viên Trung ương, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 4 nguyên Bộ trưởng). Thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 477 ngàn tỷ đồng và hơn 8.600 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 8.700 tập thể, nhiều cá nhân và chuyển cơ quan điều tra, xử lý 451 vụ/648 đối tượng.
         Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Chúng ta làm và có kết quả thật chứ không phải chỉ nói suông. Trước kia thường không thu hồi được tiền, phần đông là án treo, bây giờ thu hồi được tiền, tài sản...  đây là hướng rất đúng. Không phải chỉ cốt đi tù, mà cốt thu hồi được tiền, của cải, thu hồi được đất và có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, cốt để người khác không vi phạm. Mục đích của chúng ta là như thế, cho nên tại sao ra tòa, bị xử mà người ta lại cảm ơn, xin lỗi. Tất cả các trường hợp bị xử lý đều tâm phục khẩu phục, ăn năn hối lỗi, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, xin lỗi Tổng Bí thư." 
          7.Sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, tinh thần quyết tâm rất cao
         Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phân tích: "Chúng ta không chùng xuống, không dừng, không nghỉ, nhưng cũng không quá đà mà rất nhân văn. Vì sao làm được như vậy? Đó là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, sự đồng lòng nhất trí của cả xã hội, được nhân dân ủng hộ rất lớn, nhưng cái lớn nhất là chủ trương của chúng ta đúng. Ban Chỉ đạo hoạt động có hiệu quả. Chưa bao giờ có Ban Chỉ đạo nhiều tầng nấc thế này, sinh hoạt đều đặn, nền nếp, rất bài bản, nhuần nhuyễn, phân công rõ ràng trách nhiệm, có quy chế làm việc, có sự phối hợp giữa các cơ quan, ngày càng nhịp nhàng, chặt chẽ, nhuần nhuyễn…"
         Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Chúng ta là nhà nước pháp quyền, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, có sự phối hợp, cho nên rất có cần Ban Chỉ đạo. Đây là những kinh nghiệm hay, khóa tới cần tiếp tục phát huy. Dù ý kiến cá nhân có thể khác nhau, nhưng phải vì lợi ích của tập thể. Từng đồng chí trước hết phải đặt mình với cương vị là một cán bộ của Đảng được phân công làm nhiệm vụ này, không được “cua cậy càng, cá cậy vây”, tuyệt đối không được dính líu cá nhân, dẫn đến làm méo mó, lệch lạc… Nếu vậy không ngồi vào đây nữa, chọn người vào đây cũng phải gương mẫu, xứng đáng, phải trong sáng, với tinh thần rất kiên quyết, rất quyết liệt, đã nói là làm, không nói một đằng, làm một nẻo. Rõ đến đâu làm đến đấy, làm chắc chắn, từng bước, nhân văn, đầy thuyết phục, chứ không phải làm liều, không phải cốt để chứng tỏ là ta làm, hay làm cho nó oai, đây là vì sự nghiệp của đất nước, của Đảng, của nhân dân."
         Về chỉ tiêu từ nay đến cuối năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: Đã đề ra là phải làm, cố gắng làm cho bằng được. Ủy ban Kiểm tra có kế hoạch từng tháng, từng quý. Kinh nghiệm là phối hợp với nhau thật tốt. Từng đồng chí, từng ban, từng bộ phận phối hợp với nhau, với tinh thần rất quyết liệt, nhưng cũng rất nhân văn, làm theo đúng luật pháp, đúng Điều lệ.
         Về việc sửa Quy chế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cần tiếp thu, nghiên cứu kỹ để hoàn thiện dự thảo, nhằm tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo làm việc tốt hơn, các thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp tốt hơn, phải phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, nếu vi phạm phải xử nặng hơn bên ngoài.
        Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Với tinh thần đảng viên, cán bộ nhà nước được giao nhiệm vụ này, có người muốn làm nhưng cũng có người không thích làm là vì cọ xát, va chạm, rát mặt lắm, nhưng mà phải có gan, phải có dũng khí, phải mưu lược. Tôi nói mưu lược chứ không phải là mưu mẹo; phải tầm cỡ, mưu lược, bàn bạc, thống nhất với nhau, đồng lòng nhất trí, quyết tâm là làm được thôi.    Sắp tới Đại hội cần đưa tinh thần này vào, quyết tâm làm, dân sẽ rất phấn khởi. Dân hiện nay đang lo là chùng xuống, không biết sắp tới có làm được không… chúng ta quyết tâm không để chuyện đó xảy ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng này không thể thế được, Trung ương không cho phép như thế, phải với tinh thần quyết tâm rất cao." 
        Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, đúng lương tâm, để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính, chứ không phải cốt xử nhiều mới là tốt, làm sao để không phải xử, không xảy ra mới là tốt, mục đích của chúng ta là như thế, nhân văn là thế./.
                                                                                                 Theo: “ TTXVN”
                                           

 

Tác giả: Phạm Quang Hà – Ban Tôn giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,329
  • Hôm nay312,241
  • Tháng hiện tại9,697,985
  • Tổng lượt truy cập455,093,107
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây