sct

Du lịch Lào Cai quyết tạo đột phá bằng cách áp dụng tiêu chí của ASEAN

Chủ nhật - 08/12/2024 14:38
Để tạo bước đột phá cho “ngành công nghiệp không khói” này, Lào Cai đang đẩy mạnh áp dụng tiêu chí của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
11


Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ở Lào Cai. Ảnh: TTXVN

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa truyền thống đặc sắc, Lào Cai là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước ở  khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Để tạo bước đột phá cho “ngành công nghiệp không khói” này, Lào Cai đang đẩy mạnh áp dụng tiêu chí của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Những rào cản cho du lịch

Ngành du lịch Lào Cai đang hồi phục mạnh mẽ sau dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh thu hút hơn 4,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 460.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước, con số trên vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Lào Cai vẫn còn khá khiêm tốn là do vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển du lịch tại Lào Cai, và để gỡ bỏ các rào cản này cần có sự chung tay của các cấp, ngành và doanh nghiệp du lịch cùng người dân.

Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch nhân kỷ niệm 64 năm ngày Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2024) do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hồi giữa tháng 7 năm nay, đại diện các doanh nghiệp du lịch như Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa hay Công ty Du lịch Stravel đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó tập trung vào 6 nhóm vấn đề cụ thể, gồm: phát triển sản phẩm du lịch; công tác phòng cháy, chữa cháy; nguồn nhân lực du lịch; cơ sở hạ tầng; vệ sinh môi trường, môi trường du lịch; vấn đề đất đai, quy hoạch...

Theo các doanh nghiệp, cơ sở vật chất hạ tầng tại nhiều điểm du lịch còn khó khăn. Nhiều tuyến đường xuống cấp, một số tuyến đầu tư nâng cấp chậm hoàn thành, các tuyến đường tiếp cận điểm đến du lịch (nhất là các đỉnh núi thác nước) chưa được đầu tư. Hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, sơ đồ du lịch, điểm dừng chân ngắm cảnh, bãi đỗ xe phục vụ du lịch tại các vùng trọng điểm du lịch (Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên) còn thiếu.

Đáng chú ý, phần lớn các cơ sở lưu trú mới chỉ đạt tiêu chuẩn tối thiểu về phục vụ khách du lịch. Tỉnh đang thiếu các cơ sở lưu trú chất lượng cao.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm rác thải, tiếng ồn, ánh sáng, suy giảm tài nguyên du lịch; xây dựng trái phép tại khu, điểm du lịch, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Các tiểu dự án chỉnh trang đô thị nhất là tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa chưa phù hợp. Việc bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch ảnh hưởng đến ấn tượng của khách du lịch khi đến Lào Cai...

Đề cập đến vấn đề ô nhiễm ánh sáng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân cho biết đây là nội dung đã được UBND thị xã quan tâm và đưa vào thành một nội dung trong Đề án xây dựng đô thị "Sa Pa sạch". Theo đó, thị xã Sa Pa sẽ mời chuyên gia thiết kế mô hình ánh sáng đô thị hiện đại, văn minh, tiết kiệm, thân thiện môi trường; thiết kế hệ thống đèn một vài tuyến đường kiểu mẫu; chọn biểu trưng văn hóa tiêu biểu các dân tộc Sa Pa để thiết kế đèn trang trí trên các tuyến đường theo chuyên đề như: Khèn dân tộc Mông, Còn dân tộc Tày...

Quyết tạo bước đột phá

Để từng bước xóa bỏ các rào cản, đưa du lịch phát triển bền vững, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết ngành du lịch sẽ phối hợp với các ngành khác rà soát, điều chỉnh quy định hành chính theo hướng giảm thiểu thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng và nhanh nhất cho nhà đầu tư có quan tâm đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại tỉnh.

22


Du khách tới đỉnh Fansipan ở Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh áp dụng tiêu chí của ASEAN tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh như một bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tỉnh Lào Cai theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

Mặt khác, Sở Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt của phụ nữ và người dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch, dần tiến tới xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực phổ thông tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai Tô Bá Hiếu cho rằng một trong những giải pháp thu hút nhiều khách du lịch tới Lào Cai hơn là cần tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa vào các sản phẩm du lịch như tổ chức thêm nhiều show diễn, Festival “The Mông Show, Vũ điệu dưới trăng”…, lễ hội truyền thống từ nét đẹp văn hóa của người dân tộc bản địa.

Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh để trở thành một trong những điểm đến "xanh" của du lịch Việt Nam, Lào Cai cần phải đặc biệt chú trọng vấn đề môi trường; đồng thời nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đảm bảo hài hòa, phù hợp đặc thù từng điểm du lịch.

Trong Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh đã xác định mục tiêu “Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực, với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình"./.

 

Tác giả: Ngoại Vụ Sở

Nguồn tin: aseanvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,479
  • Hôm nay68,287
  • Tháng hiện tại5,784,150
  • Tổng lượt truy cập489,647,588
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây