Độc lập, tự chủ là cơ sở, tạo ra sức mạnh nội sinh để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. “Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” nghĩa là hội nhập đầy đủ trên các lĩnh vực, các tầng nấc khác nhau với mức độ tham gia, đóng góp thực chất hơn, cam kết và đan xen lợi ích cao hơn. Hội nhập quốc tế cũng phải bám sát, gắn chặt và phục vụ trực tiếp nhiệm vụ phục vụ phát triển với việc “Tích cực triển khai các cam kết khu vực và quốc tế, lồng ghép với các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội”.
Cũng tại Đại hội XIII, tư duy về đối ngoại song phương và đa phương của Đảng đã có những bước phát triển mới. Về song phương, chúng ta cần tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, đồng thời cần “tạo thế đan xen lợi ích” và “tăng độ tin cậy”. Tuy nhiên, đối ngoại đa phương là cần “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế” và “trong những vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích của đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể ở Việt Nam”.
Nhờ kiên định thực hiện quan điểm đối ngoại trên đây mà “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Minh chứng cho điều này là kết quả đối ngoại đa phương của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Đó là, tháng 6-2021, Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025. Tháng 8-2021, Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới nhiệm kỳ 2022-2025. Và trong khuôn khổ Đại hội đồng của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) diễn ra từ ngày 20 đến 24-9, các nước thành viên đã thống nhất bầu Việt Nam vào Hội đồng Thống đốc của cơ quan này nhiệm kỳ 2021-2023.
Ngày 12-11, Việt Nam đã tái đắc cử vào vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027. Trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam trúng cử với 145 phiếu trong tổng số 191 nước bỏ phiếu, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ 5 ngày sau, 17-11-2021, Việt Nam là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu rất cao (163/178). Đây là lần thứ 5 Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO. Bốn lần trước diễn ra vào các năm 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và 2015-2019.
Đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam. Lẽ ra thay vì tự hào và vui chung với những thành tựu rực rỡ mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được, thì các phần tử phản động, cơ hội lại ráo riết xuyên tạc, chống phá đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, những luận điệu của chúng không lừa được ai mà ngược lại càng làm cho uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tăng cao hơn.