Lễ hội Hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang đã trở thành một trong những sự kiện du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình Lễ hội Hoa tam giác mạch năm 2021 được tỉnh Hà Giang tổ chức trực tuyến vào tối 27-11 qua ứng dụng công nghệ số.
Đây là lần đầu tiên Hà Giang tổ chức một chương trình trải nghiệm du lịch trực tuyến nhằm quảng bá Lễ hội Hoa tam giác mạch và hình ảnh du lịch Hà Giang.
Với chủ đề “Hoa của đá” được phát sóng 45 phút, khán giả và du khách được thưởng thức nhiều chương trình đặc sắc như bức tranh toàn cảnh về Hà Giang, giới thiệu những vẻ đẹp về thiên nhiên và con người trên Cao nguyên đá Đồng Văn; những hình ảnh về các danh thắng, di tích vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của vùng Cao nguyên đá gắn với hình ảnh hoa tam giác mạch.
Là một trong những địa phương gần cuối cùng trong cả nước xuất hiện ca mắc và bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.
Hiện nay, Hà Giang đã sẵn sàng đón du khách trở lại và tích cực chuẩn bị cho chuỗi sự kiện quan trọng nhân kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh (20-8-1891 - 20-8-2021), 30 năm tái lập tỉnh (1-10-1991 - 1-10-2021) và 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tới đây.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp, phát huy vai trò và sự đồng thuận của người dân.
Hà Giang phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là quản lý tốt quy hoạch Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh cũng tập trung huy động các nguồn lực cho phát triến du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Hà Giang.
Hà Giang phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, gắn với nâng cao nhận thức và cải thiện đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa.
Xây dựng du lịch Hà Giang theo hướng chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đảm bảo phát triển bền vững, tỉnh chú trọng phát triển du lịch nội địa, kết hợp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội gắn với kiểm soát dịch COVID-19, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại; hình thành một số khu, điểm du lịch, dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, nhất là du lịch cộng đồng.
Cùng với đó, xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi trở lại, đón 1,5 triệu lượt khách.
Hà Giang là một trong số ít địa phương đón lượng khách du lịch tăng trưởng đương so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết tháng 11-2021, tổng lượng khách du lịch đến Hà Giang ước đạt trên 1,2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 1.300 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần không nhỏ trong phát triến kinh tế-xã hội.
Với những kết quả đã đạt được cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Hà Giang nằm ở những giá trị văn hóa bản địa và du lịch cộng đồng.
Sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc bản địa đã giúp các mô hình du lịch cộng đồng thành công và “trụ vững” ngay trong đại dịch COVID-19.