Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN) là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh quốc gia. Đặc biệt trong quá trình phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng triệt để internet để thu thập tin tức BMNN; thông qua internet tấn công phá hoại cơ sở dữ liệu quan trọng trên mọi lĩnh vực, tuyên truyền thông tin phản động nhằm thực hiện ý đồ chống phá nhà nước, nói xấu Đảng, Chính phủ. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ BMNN hiện nay.
Bảo vệ bí mật nhà nước không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu mà mỗi công chức, người lao động cũng phải hiểu và nắm rõ. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ BMNN, Lãnh đạo Sở Ngoại vụ luôn chú trọng, tập trung chỉ đạo thực hiện công tác BMNN góp phần đảm bảo BMNN nói riêng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nói chung. Trong các cuộc họp giao ban hàng tuần, Lãnh đạo Sở thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018; Luật An ninh mạng; Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Quyết định số 1178/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế;
Ngoài ra, thường xuyên rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cung cấp thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước; thực hiện tốt công tác quản lý công chức, người lao động kịp thời phát hiện, xử lý các dấu hiệu suy thoái, bị tác động, lôi kéo, biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó nêu rõ việc quản lý chặt chẽ tài liệu mật, quản lý việc in, sao, phát hành, phổ biến, thu hồi tài liệu mật; phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định những trường hợp lộ, mất bí mật nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, gắn trách nhiệm trực tiếp của Trưởng phòng và người đứng đầu khi để xảy ra hành vi vi phạm.
Qua đó, công chức, người lao động Sở luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo mật, chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực được giao, không để lộ, mất thông tin, tài liệu mật của Đảng, Nhà nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng hộp thư công vụ. Nghiêm cấm việc soạn thảo, lưu trữ, truyền đưa tin trên không gian mạng đối với những tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên các thiết bị điện tử có kết nối với mạng khi chưa được mã hoá, bảo vệ theo quy định của pháp luật cơ yếu. Bố trí máy tính độc lập không kết nối mạng để soạn thảo, lưu trữ văn bản có chứa nội dung bí mật nhà nước; không được sử dụng thiết bị điện tử có chức năng sao chép, lưu trữ, ghi âm, ghi hình chưa qua kiểm tra an toàn về an ninh hoặc có kết nối Internet để phục vụ yêu cầu công tác có liên quan đến bí mật nhà nước; sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép. Chấp hành triệt để các quy định về xác định, đề xuất, quyết định độ mật, đóng dấu độ mật; lập hệ thống sổ theo dõi việc tiếp nhận, chuyển giao, cung cấp bí mật nhà nước; thực hiện ký nhận đầy đủ khi chuyển giao văn bản mật; phân loại, thống kê, lưu trữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
Với những biện pháp ngăn ngừa, tuyên truyền phát huy tinh thần, trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác của công chức, người lao động nên công tác bảo vệ BMNN trong cơ quan được đảm bảo an toàn, kịp thời ngăn chặn việc lộ lọt BMNN, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội./.