Chương trình Đồng sáng tạo Tri thức là chương trình do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam thực hiện theo kế hoạch hợp tác kỹ thuật của chính phủ Nhật Bản, với mục đích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ở các nước đang phát triển trong nhiều lĩnh vực. Kể từ năm 1995 đến nay, Chương trình đã tiếp nhận và đào tạo hơn 2.100 cán bộ trẻ Việt Nam, qua đó đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nông nghiệp, du lịch sinh thái, kinh tế, và nhiều lĩnh quan trọng khác.
Chương trình tập huấn diễn ra tại 02 thành phố lớn là thủ đô Tokyo và thành phố Aizuwakamatsu thuộc tỉnh Fukusima, Nhật Bản với sự góp mặt của 13 đại biểu là cán bộ đoàn ưu tú đến từ Trung ương Đoàn, các tỉnh thành đoàn và một số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn cả nước đã được mời tới Nhật Bản để tham gia khóa học.
Tham dự Chương trình, Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Đặng Đại Bàng – Phó Bí thư thường trực Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình làm trưởng đoàn đã có cơ hội giao lưu, học hỏi về lĩnh vực xúc tiến du lịch cộng đồng tại Nhật Bản.
Khóa học“Xúc tiến du lịch cộng đồng” được thiết kế nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các học viên về phát triển du lịch nói chung và xúc tiến du lịch cộng đồng nói riêng. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các học viên trải nghiệm văn hóa và phong cách làm việc của người Nhật Bản, cũng như giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc và tài nguyên du lịch của Việt Nam tới người dân Nhật Bản; Tìm hiểu về chính sách phát triển du lịch của Nhật Bản; Học hỏi những mô hình kinh doanh, quản lý xúc tiến, quảng bá du lịch của Nhật Bản...; Học hỏi những kinh nghiệm của Nhật Bản về xúc tiến du lịch cộng đồng và các hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch… thông qua tham quan thực tế, giao lưu trao đổi ý kiến với các bên liên quan; Xây dựng mạng lưới kết nối với các bên liên quan tại Nhật Bản cũng như với các học viên khác nhằm tạo ra các mối quan hệ hữu ích cho các hoạt động sau khi về nước; Dựa trên kiến thức được học, các đại biểu tiến hành các cuộc thảo luận nhóm, từ đó đưa ra ý tưởng mới để xây dựng kế hoạch hành động giúp thúc đẩy các hoạt động của học viên cũng như của tổ chức trực thuộc sau khi về nước.
Bên cạnh những kiến thức lý thuyết, các bạn đại biểu còn được trải nghiệm thực tế từ các mô hình du lịch cộng đồng của địa phương như: Tham quan Trường đào tạo nghề Tokyo Air Travel Hotel; Tham quan đền Tsuruoka Hachimangu và chùa Kotokuin tại thành phố Tokyo; Tham quan công ty cổ phần du lịch HIS và Bảo tàng Tokyo; tham quan và trải nghiệm suối nước nóng Higashiyama; tham quan mạng lưới rừng Minami Aizu, khu vực Hariyu và Aroma Workshop; Tham quan thành Tsrugajyo, công ty sản xuất rượu; Tham quan tại Goshikinuma; Tham quan trang trại Farm Otomo, trạm dừng chân Michinoeki Aizu và trang trại Diam Farm Aizu;
Các bạn học viên còn được trải nghiệm 02 ngày tại Homestay của người dân bản địa, từ đó có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống, bản sắc văn hóa, truyền thống gia đình của người dân Nhật Bản.
“Được tham dự khóa học và được trải nghiệm 18 ngày tại Nhật Bản đối với mình là một điều thật tuyệt vời, bên cạnh những kiến thức mà mình được cùng chia sẻ với các bạn nơi đây, mình còn thu hoạch được rất rất nhiều bài học từ việc quan sát, cảm nhận, trải nghiệm tại chính đất nước Mặt trời mọc này. Những bài học này, những kiến thức này nhất định sẽ giúp ích rất nhiều cho mình trong công việc, trong cuộc sống cũng như trong học tập sau này” Đại biểu Vũ Thị Thanh Hải, chuyên viên phòng HTQT, Sở Ngoại vụ; Ủy viên BCH Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước; Bí thư Chi đoàn Sở – một thành viên của đoàn Việt Nam hào hứng chia sẻ.
Qua 18 ngày học tập và trải nghiệm tại Nhật Bản, Đoàn đại biểu đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong công tác xúc tiến du lịch cộng đồng như: Cần coi trọng công tác thúc đẩy phát triển du lịch trên cơ sở các chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch đã có; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du khách quốc tế về mặt thủ tục, chất lượng dịch vụ du lịch, hàng rào thuế quan; Cần tạo ra những sản phẩm độc đáo, đa dạng, hấp dẫn, riêng biệt để lôi cuốn sự chú ý của du khách đến với từng địa phương; cần có sự khác biệt đặc trưng giữa địa phương này và địa phương khác trong làm du lịch; Khai thác, duy trì cái duy nhất - “Only one” chỉ có ở địa phương để thu hút khách du lịch; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về du lịch thông qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là quảng bá trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội; lựa chọn cung cấp thông tin chọn lọc theo từng đối tượng khách hàng; Chú trọng xây dựng và chấn hưng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua du lịch, biến những bất lợi thành cơ hội để phát triển du lịch.