Đọt mây nướng chín, du khách bóc vỏ để thưởng thức.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đọt mây trong rừng ngày càng khan hiếm. Đọt mây mùa nào cũng có nhưng khó tìm hơn măng. Nó thuộc họ cau, gồm nhiều loại khác nhau, nhưng chỉ có loại mây trắng là được ưa dùng. Cây mây thân dây, có khi dài hàng chục mét, trên đọt có chùm lá gai. Muốn lấy đọt phải rút sợi mây xuống để hái. Hái xong đọt, người ta thường thu luôn thân cây để làm lạt buộc.
Đọt mây lấy ở phần ngọn của cây mây có độ dài từ 30-70cm, róc hết lá và lớp vỏ cứng bên ngoài. Khi nướng phải dùng lửa than hồng, than càng đượm hồng thì nước trong thân mây càng đượm thấm. Món nướng ăn có vị đắng hơn món xào, nhưng chính vì đắng mới cảm nhận được độ ngọt của đọt mây. Nếu ăn xong một đọt mây, húp thêm một muỗng canh thụt (còn gọi là canh bồi, canh đại ngàn) thì: “Ôi thôi rồi, ngon hết sảy !”.
Món đọt mây nướng chấm với muối hột dầm ớt hiểm (ớt thóc) có vắt thêm chút nước chanh/tắc thì độ ngon tăng lên bất ngờ. Khi ăn, đọt mây không thấy dai mà giòn thơm. Ăn một miếng xong, vị the the đắng, ngọt bùi và mát của nó cứ đượm mãi trong vòm họng. Ăn đọt mây nướng cùng với thịt gà rẫy nướng trui với than hồng, thì có lẽ: “Ngon hết sảy, ôi thôi rồi!”./.