Sóc Bom Bo

Thứ sáu - 30/11/2018 23:24
(CTTĐTBP) - Sóc Bom Bo thuộc địa phận thôn Bom Bo, xã  Bình Minh, huyện Bù Đăng. Sóc Bom Bo có 5 dân tộc sinh sống, nhiều nhất là đồng bào S’Tiêng.
Soc Bom Bo
Ngày nay, sóc Bom Bo được đầu tư xây dựng khang trang
 
Theo “Địa chí Bình Phước”, những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước nói riêng đã đóng góp sức người, sức của vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm đầu thập niên 1960, Mỹ - ngụy liên tục càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược hòng tiêu diệt cách mạng, cắt đứt liên hệ của người dân với cách mạng. Cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến giữa năm 1963, khi địch vây bắt và khủng bố gắt gao thì già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ “Nửa Lon” để theo cách mạng. Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào vừa xây dựng lán trại, tăng gia sản xuất và vừa tham gia đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, du kích, làm giao liên; còn phụ nữ và trẻ em thì đêm đêm giã gạo nuôi quân.

Địa danh sóc Bom Bo nay đã mang nhiều tên mới. Khi chính quyền địa phương ở huyện Bù Đăng tiến hành quy hoạch lại các cụm, vùng dân cư để thuận tiện cho người dân trong sinh hoạt và cải thiện cuộc sống. Tên sóc Bom Bo lịch sử được đặt làm tên xã Bom Bo, còn sóc lấy tên là thôn 1. Sau đó ít lâu, do thôn 1 cách xa các thôn khác nên chính quyền địa phương quyết định chuyển thôn 1 (tiền thân là sóc Bom Bo) thuộc địa bàn quản lý của xã Bình Minh. Như vậy, sóc Bom Bo trong lịch sử chính thức là địa bàn thôn 1 của xã Bình Minh, còn xã Bom Bo hiện tại không phải là sóc Bom Bo trước đây. Thế nhưng, do địa danh sóc Bom Bo đã trở nên quá quen thuộc và gần gũi nên năm 2012, thể theo nguyện vọng muốn giữ lại tên Bom Bo ngày xưa để giữ gìn bản sắc văn hóa của bà con S’Tiêng, đồng thời để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nên chính quyền tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã quyết định đổi tên thôn 1 thành thôn Bom Bo.
 
Soc Bom Bo2
Sóc Bom Bo là một trong những địa bàn sinh sống lâu đời của người đồng bào S’Tiêng.
 
Nhắc tới sóc Bom Bo, nhiều người còn liên tưởng ngay đến “tiếng chày giã gạo bên ánh lửa lồ ô bập bùng”. Hình ảnh truyền cảm hứng mạnh mẽ ấy xuất phát từ trong lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được viết trong một hoàn cảnh lịch sử có thật, hay nói đúng hơn bài hát như một chứng minh lịch sử kể về một câu chuyện thời kháng chiến bằng những âm thanh, hình ảnh, con người đời thực pha lẫn tình cảm chân tình, thán phục của tác giả Xuân Hồng về người dân Bom Bo chân chất, thủy chung, nghĩa tình nhưng cũng rất đỗi anh hùng. Tiếng chày giã gạo ấy vừa mang biểu tượng nghệ thuật vừa phản ánh quá trình lao động sản xuất, truyền thống và tập tục sinh sống của người đồng bào bản địa nơi đây. Họ trồng lúa trên nương rẫy và giã gạo bằng chày. Họ sẵn sàng bỏ lại tất cả nương rẫy, nhà cửa để đi theo cách mạng, ánh sáng soi đường của Đảng và đã làm nên “kì tích không ngủ”: Ngày thì trồng lúa mì, tối thì thức trắng đêm giã gạo nuôi quân. Tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân Bom Bo năm xưa được nhạc sĩ Xuân Hồng khắc âm ngắn gọn trong cụm từ “bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình”, không thể định lượng, đong đếm được !

Bom Bo ngày nay thêm xinh đẹp và rộn ràng hơn kể từ khi tỉnh triển khai xây dựng các dự án thuộc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2441/QĐ-UBND ngày 21/10/2010, với tổng diện tích 113,4ha, kinh phí đầu tư gần 200 tỷ đồng. Khu bảo tồn được thiết kế theo đặc thù của văn hóa đồng bào S’Tiêng, gồm 2 nhà dài, khu làng nghề truyền thống tái hiện các ngành nghề thủ công của đồng bào như dệt, rèn... Bên cạnh đó, những công trình khác cũng được xây dựng như trường học, khu sinh hoạt cộng đồng, khu nghỉ dưỡng, khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong quy hoạch, bãi đậu xe...
 
Soc Bom Bo3
Sản phảm thổ cẩm của người S’Tiêng được bày bán tại khu bảo tồn văn hóa S’Tiêng sóc Bom Bo
 
Thăm nơi đây, du khách sẽ có dịp ôn lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của đồng bào dân tộc S’Tiêng hướng về cách mạng với hoạt động giã gạo nuôi quân; được hòa mình vào những âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng; uống rượu cần, thưởng thức món thịt nướng, nghe già làng kể chuyện về buôn sóc bên ánh lửa hồng. Ngoài ra, du khách còn được tham gia, tìm hiểu về các lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào S'Tiêng tại khu bảo tồn. Những hoạt động này mang ý nghĩa giao thoa văn hóa giữa người dân nơi đây với du khách và tạo điều kiện cho đồng bào S’Tiêng có thêm động lực, ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước nói riêng và đồng bào S’Tiêng cả nước nói chung; đồng thời đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của đồng bào S’Tiêng và của địa phương ngày càng phát triển đi lên.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song người dân thôn Bom Bo, nhất là bà con đồng bào S’Tiêng đã có nhiều cố gắng, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Toàn thôn có 362 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó có 155 hộ đồng bào S’Tiêng. Đến năm 2013, tỷ lệ hộ có kinh tế khá, giàu chiếm 59%, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 98%, 75% hộ có nước sạch cho sinh hoạt, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể... Giao thông phát triển nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân Bom Bo cũng dễ dàng hơn. Ngày nay, người dân Bom Bo quyết tâm phát huy truyền thống anh hùng, hăng say lao động để vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.

Tác giả: Thanh Phương (t/h)

Tổng số điểm của bài viết là: 41 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,565
  • Hôm nay258,521
  • Tháng hiện tại10,034,601
  • Tổng lượt truy cập493,898,039
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây