(CTTĐTBP) - Ngày 9/5, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1015/UBND-NC gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 04/4/2019 của UBND tỉnh, Công văn số 2408/UBND-NC ngày 20/8/2019, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo; chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau dịch Covid-19.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương bằng các hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân. Nội dung tuyên truyền phải đi trước một bước, dự báo tình hình, cảnh báo sớm phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động “tín dụng đen” có thể xảy ra tại địa bàn, lĩnh vực. Đẩy mạnh truyền thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động... gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.
UBND tỉnh đề nghị các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, quản lý đoàn viên, hội viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật, vận động đoàn viên, hội viên tham gia phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Phước kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch Covid-19, hỗ trợ việc tiếp cận nguồn vốn, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, giúp người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng để phục vụ sản xuất, kinh doanh, không phải tìm đến “tín dụng đen”. Phổ biến, tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn. Xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến “tín dụng đen” để vay vốn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm cán bộ có dấu hiệu tiêu cực liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”...