Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực xử lý triệt để “ổ dịch”

Thứ ba - 04/08/2020 09:36
(CTTĐTBP) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.
ttg
Thủ tướng phát biểu mở đầu cuộc họp
 
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các quan điểm, định hướng, biện pháp của ngành y tế, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống dịch; biểu dương sự nỗ lực của ngành y tế và các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Thái Bình đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, kịp thời các biện pháp phù hợp, kể cả thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 phòng, chống dịch COVID-19. Dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp trong cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả, không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động.

Khởi động, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch tại các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động; bám sát tình hình, bình tĩnh và chủ động ứng phó, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia; quyết tâm ngăn chặn thành công đợt dịch này, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

Áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, giám sát y tế, xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả các trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh, nghi ngờ lây nhiễm và các trường hợp từng đến Thành phố Đà Nẵng từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến nay đã trở về địa phương, trước hết là các trường hợp đã từng đến “ổ dịch”, các khu vực đã bị phong tỏa, cách ly tại Thành phố Đà Nẵng.

Bằng nhiều biện pháp phù hợp kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe, khi có biểu hiện ho, sốt thì thông báo để được kiểm tra, xét nghiệm. Kịp thời phát hiện, kiểm tra, xét nghiệm tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, ngăn ngừa dịch bệnh tại các hoạt động, sự kiện, địa điểm có tập trung đông người, trong hoạt động vận tải công cộng, nhất là tại các đô thị; các địa phương không ghi nhận ca nhiễm bệnh trong cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; phải tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy do dịch bệnh, nhất là tại các đô thị, trung tâm kinh tế lớn, các nhà máy, xí nghiệp, không được ngăn sông, cấm chợ, gây trở ngại cho sản xuất, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu.

Cách ly, dập dịch, xử lý nhanh các ổ dịch trên địa bàn

Thành phố Đà Nẵng và các địa phương đã xuất hiện ca nhiễm bệnh trong giai đoạn này (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Đắk Lắk…) tăng tốc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, xử lý nhanh các ổ dịch trên địa bàn; phát huy tích cực vai trò chủ động của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống chính trị cơ sở trong phòng, chống dịch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm không chủ quan, lơ là, thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh song cần hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi đến đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Lưu ý cân nhắc toàn diện, chặt chẽ, tối ưu, phạm vi và quy mô hợp lý khi quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nhanh nhất trên phạm vi toàn quốc việc cài đặt ứng dụng Bluezone để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.

Mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm

Bộ Y tế tập trung chỉ đạo tăng cường, mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, thực hiện chiến lược xét nghiệm phù hợp, huy động các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân; thực hiện việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 từ nguồn bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo đảm chặt chẽ, đúng chế độ.

Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; xây dựng bệnh viện dã chiến, bảo đảm an toàn, tiết kiệm chi phí; rà soát, siết chặt việc phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, không để tiếp tục xảy ra các ổ dịch tại các cơ sở y tế. Triển khai áp dụng các quy trình phân luồng, phân tuyến, không để lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế; trang bị phòng hộ đầy đủ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế.

Thực hiện điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; có biện pháp bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng tại các bệnh viện; tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.

Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục kiểm soát tất cả các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, các cảng hàng không; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở; kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài...

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khởi tố, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức, đường dây đưa người từ nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục tổ chức tốt biện pháp cách ly y tế; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung; có phương án điều tiết hợp lý việc tiếp nhận, phân loại sàng lọc các trường hợp phải thực hiện cách ly, không để quá tải các cơ sở cách ly tập trung.

Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành biện pháp cách ly y tế

Các Bộ: Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm theo pháp luật, kể cả xử lý hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các hoạt động vận tải.

Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tiễn, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm việc thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định. Không tổ chức thi khi không bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch, để nhân dân yên tâm, đề cao cảnh giác, đồng thời không gây tâm lý hoang mang trong xã hội; tập trung thông tin về việc hạn chế tập trung đông người, khuyến khích và hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện, sử dụng ứng dụng Bluezone, phát hiện sớm và thông báo cho chính quyền về các trường hợp nghi mắc bệnh hoặc đi về từ vùng có dịch.

Tăng cường khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng (giữ vệ sinh, đeo khẩu trang nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, giảm tụ tập, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe) và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền và tại các địa phương đang có các “ổ dịch”.

Mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh việc vận động nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động, tự giác thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhân dân đề cao cảnh giác phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, không hoang mang, lo lắng và tiếp tục tin tưởng, ủng hộ, tự giác tham gia, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và Bộ Y tế. Mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ, mỗi thôn, xóm, làng, bản, khu phố… là pháo đài, cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó: Khẩn trương phối hợp rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các gói hỗ trợ (gói an sinh xã hội, gói tài khóa và gói tiền tệ - tín dụng); đồng thời sớm đề xuất điều chỉnh tăng quy mô, phạm vi, đối tượng, thời hạn và phương thức triển khai nhanh, hiệu quả của các gói hỗ trợ này nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhất là bảo đảm đời sống người lao động.

Tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy triển khai các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến (dạy học, khám bệnh từ xa, làm việc, họp trực tuyến; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử,…); ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, khuyến khích những người trẻ đóng góp vào quá trình chuyển đổi số.

Về việc mua trang thiết bị, Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm ứng kinh phí để mua kịp thời trang thiết bị cần thiết, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Bộ Y tế, Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn các địa phương thực hiện kịp thời, đúng quy định việc này.

Bộ Y tế đề xuất Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí xét nghiệm từ ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho số khách du lịch đang bị kẹt tại Thành phố Đà Nẵng do thực hiện giãn cách xã hội được trở về các địa phương và khi trở về phải thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly y tế tại địa phương theo quy định./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,128
  • Hôm nay179,978
  • Tháng hiện tại9,626,718
  • Tổng lượt truy cập493,490,156
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây