Mô hình quản lý theo hướng tích hợp, đích đến của đô thị thông minh
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; UBND thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, Bình Long; các công ty viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh tham dự cuộc họp.
Đề án xây dựng ĐTTM là kết quả của việc khảo sát tại các sở, ban, ngành của tỉnh về phương diện ứng dụng CNTT, là tài liệu mô tả kiến trúc và các giải pháp công nghệ tổng quan định hướng cho việc xây dựng ĐTTM cho tỉnh. Trong đó, thành phố Đồng Xoài được đề xuất ưu tiên triển khai thí điểm trước khi triển khai rộng rãi ĐTTM trên phạm vi toàn tỉnh.
Đề án này sẽ không thay thế mà bổ trợ đắc lực cho khung chính quyền điện tử, các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin mà UBND tỉnh đang triển khai và có kế hoạch triển khai trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp các dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Nội dung cơ bản của Đề án tập trung vào đánh giá sự cần thiết của việc xây dựng ĐTTM tỉnh Bình Phước; đề xuất định hướng chủ đạo cho việc xây dựng ĐTTM và đề xuất mục tiêu cho từng lĩnh vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: chính quyền điện tử, quy hoạch quản lý đô thị, giao thông, nông nghiệp, môi trường, y tế, du lịch, giáo dục, an ninh an toàn...
Song song đó, Đề án đưa ra các đề xuất định hướng mục tiêu và lộ trình triển khai các giải pháp công nghệ trong từng lĩnh vực giai đoạn 2020-2030, căn cứ trên mục tiêu hiện tại, hiện trạng, khó khăn, thách thức và nhu cầu của các đơn vị trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng ĐTTM. Đề xuất các giải pháp phi công nghệ liên quan đến mô hình tổ chức, điều hành khi triển khai thực hiện, các đề xuất cơ chế chính sách bổ trợ, các giải pháp về mô hình thu hút tài chính, công tác truyền thông khi triển khai thực hiện xây dựng ĐTTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Thanh Mảng
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh việc triển khai xây dựng Đề án phát triển ĐTTM tại tỉnh Bình Phước là rất cần thiết, xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển trong thời gian sắp tới. Đề án là bộ khung, là căn cứ quan trọng để các sở, ban, ngành liên quan, đơn vị thụ hưởng, các địa phương trong tỉnh căn cứ vào đó để triển khai thực hiện cụ thể hóa các nội dung theo từng ngành, từng lĩnh vực của cơ quan, đơn vị; lựa chọn các giải pháp ứng dụng thông minh của Đề án cho phù hợp với từng địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cũng lưu ý việc xây dựng ĐTTM là quá trình lâu dài, với khối lượng công việc lớn, cần có sự đồng lòng, chung tay vào cuộc của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương với nhau để hình thành sự kết nối liên thông, tạo nên một khối thống nhất, không thể tách rời. Đề án triển khai có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp, sự tham gia của các nhóm chuyên gia và cán bộ chuyên ngành, sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Trần Tuyết Minh yêu cầu công tác thiết kế nội dung các phần việc thực hiện trong Đề án không được chồng chéo, tránh gây lãng phí; phải đúng mục tiêu, mục đích; đạt hiệu quả thiết thực, khả thi cao. Do đó, đồng chí yêu cầu trên cơ sở dự thảo lần này, Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, địa phương, người dân một cách kĩ lưỡng để hoàn thiện việc chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Đề án trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định ban hành./.