Cụ thể, Quốc hội quyết nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Theo đó, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 34/2017/QH14 các dự án sau đây: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Công an nhân dân (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý thuế (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Điều chỉnh thời gian trình các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8).
Đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 các dự án: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Công an xã.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 7 trình Quốc hội thông qua: Luật Hành chính công; Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Cũng tại kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội cho ý kiến: 1- Bộ luật Lao động (sửa đổi); 2- Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); 3- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; 4- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; 5- Luật Chứng khoán (sửa đổi); 6- Luật Thư viện; 7- Luật Lực lượng dự bị động viên; 8- Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); 9- Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
9 luật, bộ luật nêu trên sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Cũng tại kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội cho ý kiến: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi).
Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng; bảo đảm tính pháp lý, chính xác, đầy đủ của các tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo; khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội.
Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án, dự thảo; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh.
Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, dự thảo; thực hiện nghiêm việc tổ chức lấy ý kiến; chấn chỉnh việc tham gia ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan để bảo đảm chất lượng; trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo, nếu có ý kiến khác với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định; bảo đảm ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được thông qua.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những văn bản quy phạm pháp luật khác có vướng mắc, bất cập để kịp thời trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước./.