Ban chủ nhiệm đề tài thuyết trình trước hội đồng.
Báo cáo tại cuộc họp, Kỹ sư Khương Hữu Thắng cho biết: Chuối chân voi là loài thực vật ngoài chức năng góp phần làm đa dạng môi trường sinh thái thì còn được sử dụng làm dược liệu. Chuối chân voi có tác dụng trong y học dân gian điều trị một số bệnh về tiêu hoá, sỏi thận, sưng tay chân, phù thủng, viêm loét dạ dày, trị dị ứng da và một số bệnh nhiễm giun, sán ở trẻ em. Do đây là loài thực vật sống độc lập, chỉ tái sinh duy nhất bằng nảy mầm, phân bố không phổ biến, lại có tác dụng y học nên bị khai thác cạn kiệt cần được bảo tồn, phát triển.
Mục tiêu của đề tài là tìm hiểu những đặc điểm chung của loài chuối chân voi như: Tình hình phân bố, đánh giá trữ lượng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập; xác định một số yếu tố sinh thái ngoài tự nhiên để lựa chọn khu vực nuôi trồng thích hợp; xác định khả năng gây trồng, thị trường tiêu thụ; nghiên cứu kỹ thuật nhân giống bằng nhiều phương pháp để đạt kết quả cao nhất; trồng, bảo tồn loài chuối này tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập; thu hái, ước tính sản lượng trên một héc-ta, đánh giá tiềm năng kinh tế... Bên cạnh đó, đề tài còn xác định thành phần dược lý cơ bản của quả và hạt, đồng thời biên soạn các tài liệu về loài thực vật này.
Sau khi thảo luận và đóng góp ý kiến cho Ban chủ nhiệm đề tài, các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã bỏ phiếu thống nhất thông qua./.