Giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 9 tháng ước đạt 3.279 USD/tấn
Giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 9 tháng năm 2018 giảm 38,6% so cùng kỳ năm 2017.
Bản tin “Thông tin tham khảo thị trường nông sản định kỳ - tháng 9/2018” của Trung tâm Tin học và Thống kê cho biết: Xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 9/2018 ước đạt 20 ngàn tấn, trị giá 57 triệu USD. Lượng xuất khẩu hạt tiêu 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 195 ngàn tấn và đạt kim ngạch 641 triệu USD, tăng 8% về khối lượng nhưng giảm 33,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là Mỹ (với 112,8 triệu USD, chiếm 19,3% tỷ trọng xuất khẩu tiêu), Ấn Độ (với 49,1 triệu USD, chiếm 8,4%), Pakistan (với 27,1 triệu USD, chiếm 4,6%) và Đức (với 22,7 triệu USD, chiếm 3,9%). Khối lượng xuất khẩu sang các thị trường này phần lớn đều tăng trong khi giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm. Cụ thể xuất khẩu tiêu sang Ấn Độ đạt 15,2 ngàn tấn, tăng 3,5 ngàn tấn (tương đương 30%); Mỹ đạt 31,6 ngàn tấn, tăng 2,9 ngàn tấn (tương đương 10,3%); Pakistan đạt 8,5 ngàn tấn, tăng 1,2 ngàn tấn (tương đương 16,9%) và Đức đạt 5,9 ngàn tấn, tăng 219 tấn (tương đương 3,8%) so với cùng kỳ năm 2017.
Giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.279 USD/tấn, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại thị trường trong nước, trong 9 tháng đầu năm 2018, giá tiêu trong nước giảm do nguồn cung lớn và ảnh hưởng giá thế giới. Trong tháng 9/2019, giá thu mua hạt tiêu đen có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, tính đến ngày 23/9/2018, giá thu mua hạt tiêu đen dao động ở mức 49.000-51.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với đầu tháng. Tuy nhiên, so với cuối năm 2017, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Lai giảm 21.000 đồng/kg; tại Đắk Lắc, Đắk Nông và Đồng Nai giảm 22.000 đồng/kg.
Trong ngắn hạn, Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo giá tiêu thế giới sẽ dao động trong khoảng hẹp. Thời gian tới, giá tiêu trên thị trường thế giới có thể ổn định do vụ mùa Indonesia đã thu hoạch xong nhưng sản lượng ước tính tương đương hoặc thấp hơn năm ngoái, đồng thời mùa vụ sắp tới ở Ấn Độ trong tháng 12 được dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng của lũ lụt.
Giá điều thô tại Bình Phước tăng khá
Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam
Cũng theo bản tin “Thông tin tham khảo thị trường nông sản định kỳ - tháng 9/2018”, trong tháng 9, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 32 ngàn tấn với giá trị 275 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu điều nhân 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 275 ngàn tấn và với kim ngạch 2,56 tỷ USD, tăng 6,8% về lượng và 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 38,7%, 12,2% và 10,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ đạt 93,5 ngàn tấn, trị giá 883,1 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng 1,1% về lượng, nhưng giảm 4,1% về kim ngạch, đạt 26,3 ngàn tấn, trị giá 242,45 triệu USD.
Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 9/2018 ước đạt 76 ngàn tấn với giá trị đạt 138 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu điều thô trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 968 ngàn tấn và giá trị 1,95 tỷ USD, giảm 14,2% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá xuất khẩu điều nhân bình quân tháng 9/2018 đạt 8.535 USD/tấn, tăng 69 USD/tấn (tương đương 0,8%) so với tháng 8/2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8/2018, giá xuất khẩu điều nhân bình quân đạt khoảng 9.402 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, giá điều trong nước biến động thất thường tùy vào từng địa phương. Cụ thể, giá điều thô tại Bình Phước tăng khá 3.000 đồng/kg lên mức 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá điều thô tại Đồng Nai tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg, từ 47.000 đồng/kg xuống 46.000 đồng/kg.
Hiện ngành điều vẫn đang chịu sức ép từ dư nguồn cung nhưng giá điều đã có dấu hiệu phục hồi sau khi các thị trường tiêu thụ lớn đẩy mạnh nhập khẩu trong những tháng cuối năm. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn là thách thức lớn cho ngành điều Việt Nam khi mà một số nước như Nigeria, Bờ Biển Ngà định hướng hạn chế xuất khẩu điều thô khiến giá điều nhập khẩu bị đẩy lên cao. Trong bối cảnh giá xuất khẩu điều nhân có xu hướng giảm, nguồn cung điều thô bất ổn, doanh nghiệp chế biến điều trong nước cần tập trung vào “tăng chất, giảm lượng” nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu./.