Tặng 15 chiếc xe đạp cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn.
Ngành CTXH trên thế giới đã được hình thành và phát triển từ đầu những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở các nước Anh, Mỹ. Ở Việt Nam, nghề CTXH đã có mặt khá sớm ở miền Nam từ những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ 20 thông qua các hoạt động xã hội từ thiện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Qua nhiều thập kỷ, ngành CTXH ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, đánh dấu một mốc phát triển mới ngành CTXH ở Việt Nam. Ngày 25/3 hàng năm trở thành Ngày CTXH ở Việt Nam.
Hiện nay, cả nước có 418 cơ sở trợ giúp xã hội gồm 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập để tiếp nhận, trợ giúp cho những đối tượng yếu thế trong xã hội. Cả nước có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH, tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 chỉ tiêu. Có 2 trường đào tạo tiến sĩ, 3 trường đào tạo thạc sĩ với 205 học viên và tổ chức tập huấn cho hơn 10.000 cán bộ, nhân viên về ngành CTXH.
Ngày 9/8/2011, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thành lập Trung tâm CTXH tỉnh Bình Phước. Từ năm 2011 đến nay, ngành CTXH tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và một cơ sở ngoài công lập; 1 tổ CTXH tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; 1 trường chuyên biệt và 6 cơ sở chùa nhận nuôi dưỡng các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, tỉnh còn liên kết mở rộng đào tạo đại học chuyên ngành CTXH cho đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên. Đến nay, trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có 1 cộng tác viên CTXH làm cầu nối để trợ giúp đối với những người yếu thế tại các địa phương.
Nhân dịp lễ kỷ niệm, các nhà hảo tâm đã trao tặng 15 chiếc xe đạp cho các em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Đồng Xoài./.
Hải Thanh