Giải quyết việc làm cho 2.950 lao động là đồng bào DTTS
Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hàng năm, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và thông qua một số chính sách, hình thức khác, một số lượng lớn lao động là người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, đồng bào DTTS S’Tiêng huyện Phú Riềng.
Ước tính trong năm 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 2.950 lao động là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 9,83% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm. Đào tạo nghề cho 6.098 lao động, trong đó có 1.268 lao động là đồng bào DTTS (trình độ sơ cấp nghề 968 lao động, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn 300 lao động), chiếm tỷ lệ 20,79% trên tổng số lao động được đào tạo nghề. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS.
Không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất chính sách
Theo Ban Dân tộc tỉnh, qua kết quả rà soát và báo cáo của các huyện, thị xã, trên địa bàn tỉnh hiện có 293 hộ đồng bào DTTS nghèo sang nhượng quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất. Trong đó, có 29 hộ ở huyện Bù Đốp, 4 hộ ở huyện Bù Gia Mập, 3 hộ ở thị xã Đồng Xoài, 3 hộ ở huyện Đồng Phú sang nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc được nhà nước cấp hỗ trợ theo các chính sách.
Các địa phương đã có biện pháp giải quyết tình trạng trên như: Chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để thu hồi, thực hiện biện pháp hòa giải để người mua trả lại. Tuy nhiên, còn một số trường hợp phức tạp là do hộ bán quyền sử dụng đất đã bỏ đi khỏi địa phương, tiền bán đất đã tiêu xài hết, hoặc do ốm đau, bệnh tật mà các hộ đã bán đất để lấy tiền chữa trị...
Nhằm tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao hoặc cầm cố, bán quyền sử dụng đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tình trạng mua bán, sang nhượng đất chính sách, ngày 25/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19. Chỉ thị đã yêu cầu các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra và thực hiện thu hồi những trường hợp sang nhượng quyền sử dụng đất chính sách do nhà nước giao theo các chính sách hỗ trợ đã được phát hiện.
UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục tổ chức rà soát, khi phát hiện thì tiếp tục xử lý thu hồi, địa phương nào không thực hiện nghiêm thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã đó sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý công tác công chứng, chứng thực trong các giao dịch sang nhượng đất. Khi công chứng, chứng thực phải xác minh nguồn gốc đất, nếu là đất giao cho đồng bào DTTS theo các chính sách của nhà nước thì không công chứng, chứng thực. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 40 Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai: “Trong vòng 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất”./.
Thanh Phương