Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trực tuyến Bình Phước
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 03, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an cấp huyện đã được bổ sung, sửa đổi phù hợp với quy định pháp luật cũng như tình hình thực tiễn công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Tổ chức bộ máy công an cấp huyện cũng được kiện toàn, sắp xếp, bố trí hợp lý hơn, một số tổ chức mới được hình thành để đáp ứng yêu cầu công tác. Lực lượng được bổ sung, tăng cường, chất lượng được nâng lên, việc bố trí biên chế cũng gắn với mục tiêu, đối tượng, địa bàn, tuyến phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu của nhiệm vụ. Chế độ chính sách cũng được nâng lên, việc phân công, phân cấp được tăng cường phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy việc phân cấp đã giúp cho công an cấp huyện chủ động nắm đối tượng cần lập hồ sơ và quản lý. Lực lượng an ninh thuộc công an cấp huyện thường xuyên rà soát, phát hiện và đã tiến hành điều tra cơ bản, lập hồ sơ gần 17.000 đối tượng, đang tổ chức điều tra cơ bản trên 31.000 đối tượng. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát công an cấp huyện đang tiến hành điều tra cơ bản, lập hồ sơ trên 36.000 đối tượng, chiếm 60% so với toàn quốc. Việc phân cấp, kiện toàn mô hình cơ quan điều tra công an cấp huyện cũng phù hợp với các quy định mới của các Luật, Bộ luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Đáng chú ý đến nay, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố hoàn thành việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, với 26.236 cán bộ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh tại 8.589 xã trong cả nước. Từ đó, góp phần tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”./.