Dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành; nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; chủ nhiệm các câu lạc bộ sản xuất tiêu, nông dân trồng tiêu tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, Bình Phước hiện có 17.178ha tiêu, với năng suất năm 2017-2018 đạt 14 tạ/ha, sản lượng 18.736 tấn, giảm 14.940 tấn (giảm 40%) so với năm 2017. Nguyên nhân sụt giảm là do từ mùa khô 2016-2017 đến mùa khô 2017-2018, mưa trái mùa vẫn xuất hiện thường xuyên và trên diện rộng, đã ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của hồ tiêu, đặc biệt giống tiêu Vĩnh Linh ra hoa chỉ đạt khoảng 30-50%.
Không những thế, một số nông dân trong tỉnh có hiện tượng bỏ bê vườn, ít đầu tư chăm sóc, dẫn đến diện tích này xuất hiện sâu bệnh hại và chết nhiều vào thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Trong đó, huyện Bù Gia Mập có hơn 190ha, Bù Đốp có hơn 71ha, Đồng Phú 54ha tiêu bị chết hàng loạt… Ngoài ra, do cuối năm 2016 đến nay, giá hồ tiêu giảm sâu xuống dưới 60.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu khô thấp, nông dân không chăm sóc, ít đầu tư nên sâu bệnh phát triển mạnh trên một số vườn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều đóng góp về giải pháp quan trọng trong việc phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Một số đại biểu cho rằng trước tình trạng giá tiêu giảm sâu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh trưởng và phát triển của cây tiêu dẫn đến mất mùa thì trước hết người dân cần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, thay đổi tập quán canh tác. Ngoài việc sản xuất, người dân quan tâm tìm hiểu thị trường trước khi quyết định đầu tư, ồ ạt trồng “chạy theo giá” thì sẽ gánh hậu quả không mong muốn.
Cùng với đó, cần có sự liên kết giữa “4 nhà” gồm nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông, từ đó có những chính sách phát triển vùng sản phẩm, thị trường trong nước và thế giới. Cần duy trì và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị hồ tiêu; cần quản lý và phát triển cấp giấy chứng nhận hồ tiêu cho các nông dân sản xuất đạt tiêu chuẩn, cũng như công tác quản lý các loại giống tiêu.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng ghi nhận và đánh giá cao kết quả hội thảo với tinh thần cởi mở, thẳng thắn để tham mưu cho tỉnh các giải pháp trong định hướng, chính sách phát triển ngành hồ tiêu tương xứng với tiềm năng, danh tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tìm kiếm thị trường, cũng như tham mưu tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân; tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã hướng dẫn nông dân triển khai theo đúng quy trình vệ sinh vườn tiêu, quy trình phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm để kiểm soát tình hình nhiễm bệnh trên cây hồ tiêu. Phó Chủ tịch Huỳnh Thị Hằng cũng mong muốn các doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học, ngành chức năng cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn, giúp ngành hồ tiêu Bình Phước khởi sắc trong thời gian tới./.