Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Thứ hai - 09/07/2018 10:14
(CTTĐTBP) - Sáng nay (9/7), Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa IX đã khai mạc tại hội trường tỉnh. Ngay sau phát biểu khai mạc của đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
Dc Ton Ngoc Hanh
Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh thông tin kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa IX vào sáng nay. Ảnh: Báo Bình Phước.
 
>> Khai mạc Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa  IX
>> Một số kết quả nổi bật về thực hiện chỉ tiêu KT-XH 6 tháng đầu năm 2018

Theo đó, sau 21 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao (21/5 - 15/6), Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội đã thông qua 7 luật, 8 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.

Luật An ninh mạng bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân

Các luật được Quốc hội thông qua gồm: Luật Đo đạc và bản đồ; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật Quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Trong đó, Luật An ninh mạng là luật được đông đảo cử tri quan tâm và cho ý kiến nhiều nhất. Luật được ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời phải phù hợp với thực tiễn, khả thi, tránh sự lạm dụng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp. Đây là một dự án luật khó, đã được tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, nhân dân để phân định rõ giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng; rà soát các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các chủ thể bảo vệ an ninh mạng.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được đông đảo cử tri quan tâm

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Trong 9 dự thảo luật cho ý kiến nêu trên, dự thảo luật Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là dự thảo luật được đông đảo cử tri đặc biệt quan tâm nhiều nhất và có nhiều ý kiến tranh luận. Dự thảo luật quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc xây dựng luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thể chế hóa chủ trương của Đảng về “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Đa số ý kiến các vị ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào các nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

Tuy nhiên, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; ý kiến của ĐBQH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau. Một số quy định của dự thảo luật được giải thích chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc thậm chí có dụng ý xấu, gây hoang mang trong dư luận và một bộ phận nhân dân.

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Đồng thời, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 5 và chuyển sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị ĐBQH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật; hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nhìn chung, các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được các cơ quan chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hồ sơ theo quy định. Các vị ĐBQH thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ, thẳng thắn, tích cực tranh luận, đưa ra những ý kiến cụ thể về nhiều nội dung mới, còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự án bảo đảm yêu cầu chất lượng, có tính khả thi, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia đầy đủ vào các hoạt động quan trọng của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV với tinh thần, trách nhiệm cao. Các vị ĐBQH tỉnh đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu, nắm tình hình KT-XH của địa phương và ý kiến cử tri; tham gia đầy đủ các chương trình nghị sự của kỳ họp, thảo luận về KT-XH, đóng góp ý kiến đối với các dự án luật và tham gia biểu quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia đóng góp 19 lượt ý kiến, trong đó có 9 ý kiến tại các phiên họp tổ và 10 ý kiến tại hội trường.

Tham gia vào chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 6 lượt chất vấn trực tiếp đối với bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Cụ thể về các vấn đề: Tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường của một số doanh nghiệp thời gian qua; những vi phạm trong quản lý đất đai; chất lượng giáo dục mầm non hiện nay; việc phát triển kinh tế tại các liên kết vùng ở nước ta; giải pháp chống sạt lở vùng đồng bằng Sông Cửu Long; việc thực hiện chuyển đổi, tinh giản biên chế bộ máy nhà nước, nhất thể hóa các chức danh theo Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh còn gửi đến Chính phủ 2 nội dung chất vấn bằng văn bản liên quan đến công tác quản lý lưu hành tiền ảo và giải pháp cảnh báo rủi ro cho người dân khi tham gia đầu tư vào các loại tiền ảo.

Đa số các chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh đều được các bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ giải trình thẳng thắn và tiếp thu. Đối với chất vấn bằng văn bản, Chính phủ ghi nhận và trả lời bằng văn bản cho Đoàn ĐBQH tỉnh đúng thời gian quy định./.

Tác giả: Thanh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,441
  • Hôm nay493,139
  • Tháng hiện tại10,317,401
  • Tổng lượt truy cập455,712,523
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây