Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Nhật Chiêu.
Tổng thu ngân sách 7.658 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người 57,22 triệu đồng
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) uớc thực hiện cả năm 2018 tăng 7,2% (kế hoạch cả năm là 6,8-7%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,15%; công nghiệp và xây dựng chiếm 38,09%; dịch vụ chiếm 35,76%. GRDP bình quân đầu người đạt 57,22 triệu đồng, tăng 7,98% so với năm 2017.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện là 7.658 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2017 và đạt 109% so với Nghị quyết điều chỉnh của HĐND tỉnh. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9.726 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2017 và đạt 95% so với Nghị quyết điều chỉnh của HĐND tỉnh (chủ yếu tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản).
Tình hình thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2018, thu hút đầu tư trong nước được 184 dự án với số vốn đăng ký 5.906 tỷ đồng, tăng 17,9% số dự án và bằng 42% về số vốn đăng ký; thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI) được 32 dự án với số vốn đăng ký 400 triệu USD, tăng 45% về số dự án và tăng 270% về số vốn đăng ký; phát triển doanh nghiệp có 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 13.800 tỷ đồng, tăng 12% về số doanh nghiệp và tăng 30,9% về số vốn đăng ký so với năm 2017 và đạt 111% kế hoạch năm; kinh tế hợp tác có 26 hợp tác xã thành lập mới, đạt 118% kế hoạch năm.
Kết quả năm học 2017-2018 đạt nhiều thành tích nổi bậc, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,21%. Đầu năm học 2017-2018, qua rà soát vẫn còn 96 phòng học tạm, mượn đến nay đã xóa được 61 phòng. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được tiếp tục đẩy mạnh, ước đến cuối năm 2018 có 135/476 trường được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 28,36%.
Về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong năm, tình hình dịch bệnh được kiểm soát. So với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ mắc bệnh một số bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ; tỷ lệ cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống được kiểm tra đạt tiêu chuẩn là 89%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 13,5%, đạt 100% kế hoạch năm; số bác sĩ/vạn dân đạt 7,8 bác sĩ, đạt 100% kế hoạch năm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 83%, đạt 100,9% kế hoạch năm.
Về công tác lao động, việc làm và dạy nghề, trong năm đã giải quyết việc làm cho 34.000 lao động, đạt 113% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đạt 3,2% và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn trên 90%. Đào tạo nghề cho 6.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, đã triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ và kịp thời; phối hợp thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo theo tinh thần của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, ước thực hiện năm 2018 với tỷ lệ hộ nghèo chuẩn mới tiếp cận đa chiều giảm 0,5%, đạt 100% kế hoạch năm. Về chế độ, chính sách ưu đãi với gia đình chính sách, người có công được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
Công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai thực hiện với tổng nguồn vốn phân bổ là 50.328 triệu đồng, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt cơ sở. Hạ tầng nông thôn, giao thông đi lại được thuận lợi, trao đổi hàng hóa dễ dàng, trình độ sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.
Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh được chú trọng, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp nắm tình hình ngoại biên, chủ động tổ chức các hoạt động đối ngoại. Thực hiện tốt diễn tập phòng thủ cấp tỉnh và cấp huyện. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra các điểm nóng nhờ chủ động, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm. Tai nạn giao thông đều giảm trên cả 3 tiêu chí.
Về cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính nhà nuớc giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Bình Phước năm 2017 đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2016. Tổ chức tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 9/10 cơ quan, đơn vị. Kết quả thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản được 828 trường hợp.
Công tác thanh tra đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu, có trọng tâm, trọng điểm và theo đúng định hướng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có dư luận quan tâm. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị bổ sung, sửa đổi những sơ hở, bất cập nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Hoàn thành 20/22 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện trên các mặt, hoàn thành 20/22 chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt, 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 2 chỉ tiêu gần đạt kế hoạch (chi ngân sách đạt 94%, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 75%).
Sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn và duy trì sự phát triển; sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng khá. Thu ngân sách đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chi thường xuyên, đồng thời bổ sung vốn đầu tư phát triển để thực hiện các công trình trọng điểm. Thu hút đầu tư và doanh nghiệp đang trên đà phát triển cả về số lượng và quy mô. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh nhìn chung đảm bảo thực hiện đúng định hướng mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước; tiến độ thi công một số công trình trọng điểm chậm như đường Đồng Phú - Bình Dương, đường ĐT 741, các dự án trung tâm thương mại...; giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt kết quả như mong muốn; hạ tầng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp chế biến hạt điều; môi trường đầu tư kinh doanh tuy có cải thiện nhưng chưa thật sự thông thoáng, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tiếp cận đất đai, khoáng sản còn rườm rà, phức tạp.
Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn xảy ra. Công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để; khiếu kiện vượt cấp, đông người về lĩnh vực đất đai còn diễn biến phức tạp. Các hoạt động y tế triển khai còn chậm, chưa đẩy mạnh việc chuyển giao các kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh; tình hình dịch bệnh sốt rét, sốt xuất huyết gia tăng. Công tác giảm nghèo còn gặp vướng mắc trong việc triển khai thực hiện, nhất là công tác rà soát, đánh giá của một số tiêu chí hộ nghèo chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương./.