Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại hội nghị
Tham dự hội nghị, có các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Huyện đoàn, Thị đoàn, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc; đại diện đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng, trong đó tập trung thảo luận sôi nổi 8 nội dung liên quan mật thiết đối với thanh niên, gồm: Sự cần thiết sửa đổi luật; Quản lý nhà nước về công tác thanh niên; Ủy Ban quốc gia về thanh niên; đối thoại với thanh niên; các chính sách của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với thanh niên; các tổ chức thanh niên. Bên cạnh đó, các đại biểu đã góp ý bổ sung thêm “Chương III - Chính sách đối với thanh niên” của dự thảo Luật này.
Hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên thanh niên hiểu và nắm rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền và lợi ích của mình. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quy định trong Luật Thanh niên; bổ sung quy định về chính sách của nhà nước đối với thanh niên tình nguyện nhằm động viên, khuyến khích, phát huy tính xung kích, sáng tạo của thanh niên.
Sự cần thiết ban hành Luật Thanh niên (sửa đổi)
Ngày 29/11/2005, tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên và chức năng quản lý nhà nước về thanh niên.
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo luật
Việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật cho thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của thanh niên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên, đặc biệt phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên trong các phong trào thanh niên, vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Triển khai thực hiện Luật Thanh niên, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên từ trung ương đến cơ sở được thiết lập thống nhất và đi vào hoạt động đã xác định, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển thanh niên, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thông qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương về vị trí, vai trò của thanh niên ngày càng được nâng cao, coi đầu tư cho thanh niên là đầu tư cho phát triển vì chất lượng nguồn nhân lực trẻ có ảnh hưởng quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Cụ thể như: Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, thiếu nguồn lực thực hiện Luật, chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.
Thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.
Cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên (tham vấn thanh niên) chưa rõ nét. Do đó, thanh niên chưa phát huy và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên.
Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải đổi mới, hoàn thiện để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và phù hợp với sự phát triển của thanh niên.
Nghị quyết Trung ương 7 khóa X "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với tình hình mới. Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên, phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.